Eurozone trong cơn khốn khó

ANTĐ - Liên minh châu Âu (EU) vừa lên tiếng yêu cầu được trao nhiều quyền hơn để kiểm soát ngân sách của các quốc gia khu vực đồng euro (Eurozone), đồng thời đề xuất phát hành trái phiếu chung của khu vực nhằm dập tắt cuộc khủng hoảng nợ công đang hoành hành.

Nợ công trầm trọng đã đẩy Hy Lạp vào tình trạng rối loạn xã hội

Theo quy định mà EU muốn áp dụng, các nước thành viên Eurozone phải công bố dự thảo ngân sách quốc gia tại cùng một thời điểm trong năm. Ủy ban châu Âu (EC) có quyền đánh giá và đưa ra quan điểm nếu dự thảo ngân sách quốc gia vi phạm cam kết về chính sách trong Hiệp ước về ổn định và tăng trưởng dành cho Eurozone. Toàn bộ quá trình này sẽ được tiến hành công khai nhằm đảm bảo sự minh bạch.

Quy định mới cũng yêu cầu các nước thành viên Eurozone lập hội đồng tài chính độc lập và dự thảo ngân sách phải dựa trên những dự báo độc lập. EU cũng muốn thể chế hóa các hoạt động kiểm toán tại những nước gặp khó khăn về tài chính, như Hy Lạp và Italia, trước khi đưa ra quyết định cứu trợ. Chủ tịch EC M. Barroso còn đề xuất những kế hoạch mạnh mẽ cho phép ông và Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế O. Rehn can thiệp vào quá trình hoạch định chính sách của các quốc gia thành viên Eurozone.

Bất chấp mọi nỗ lực của EU nhằm dập tắt “đám cháy” nợ công đang đe dọa cả Eurozone, tình hình khu vực tiếp tục xấu đi một cách nhanh chóng. Hôm 23-11 vừa rồi, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho rằng khu vực này đã rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế. Theo IIF, số liệu kinh tế khu vực trong quý III và đầu quý IV năm nay ảm đạm hơn dự báo.

Ngay nền kinh tế lớn nhất Eurozone là Đức xem ra cũng không còn miễn dịch với virus nợ công. Cơ quan quản lý nợ công của Đức không thể tìm được nhà đầu tư cho gần một nửa trong tổng số trái phiếu trị giá 6 tỷ euro vừa được phát hành. Ngân hàng Trung ương Đức trở nên suy sụp, khi lãi suất trái phiếu thời hạn 10 năm tăng 14,5 điểm cơ bản lên 2,056%, lần đầu tiên lên cao hơn phí tổn vay mượn của Mỹ kể từ tháng 10 vừa qua. Một nhà kinh tế cao cấp ở Anh nhận xét đây thực sự là một thảm họa đối với nước Đức.

 

Nhìn lại nguyên nhân của “đám cháy” nợ công, có thể thấy đây là hệ quả của chính sách chi tiêu công thiếu kiểm soát chặc chẽ và thiếu minh bạch trong từng quốc gia thuộc Eurozone, điển hình là Hy Lạp, nơi xuất phát của “đám cháy”. Gần một thập kỷ qua, Chính phủ Hy Lạp liên tục bán trái phiếu để thu về hàng trăm tỷ USD. Số tiền này lẽ ra có thể giúp kinh tế Hy Lạp tiến rất xa nếu chính phủ có kế hoạch chi tiêu hợp lý. Tuy nhiên, Chính phủ Hy Lạp đã chi tiêu quá tay (phần lớn cho cơ sở hạ tầng) mà hầu như không quan tâm đến các kế hoạch trả nợ.

Sai lầm trên của Hy Lạp không bị phát hiện bởi đây là một trong những nước có tỷ lệ tham nhũng cao nhất trong EU. Năm 2008, người Hy Lạp đã chi tới 750 triệu euro tiền hối lộ cho các lãnh đạo khu vực công và khu vực tư. Thiệt hại mà tham nhũng gây ra cho Hy Lạp ước tính vào khoảng 8% GDP và chính vấn nạn này đã dẫn đến tình trạng nợ công Hy Lạp. Khi sự thiếu minh bạch trong số liệu thống kê của Hy Lạp bị phát hiện cũng là lúc các nhà đầu tư rút vốn ồ ạt khỏi các ngân hàng của Hy Lạp, đẩy quốc gia này vào tình trạng khó khăn trong việc huy động vốn trên thị trường vốn quốc tế.

Không biết biện pháp mạnh tay của EU có đem lại kết quả hay không nhưng có điều rõ ràng là Eurozone đang trong cơn khốn khó.

Thị trưởng tuyệt thực để đòi quyền lợi cho dân

Ông Florin Cazacu, người đứng đầu thị trấn Brad ở miền trung Romania đã bắt đầu tuyệt thực để phản đối việc cắt giảm trợ cấp hệ thống sưởi cho 17.000 cư dân thị trấn theo quy định mới về thắt lưng buộc bụng của chính phủ. Theo ông, người dân sẽ rét run vì lạnh chỉ vì tòa thị chính thiếu 3 triệu lei (khoảng 925.200 USD) từ ngân sách nhà nước để mua thêm nhiên liệu cho mùa đông khắc nghiệt sắp tới.

Năm ngoái, hệ thống sưởi trên toàn lãnh thổ Romania, nước nghèo thứ 2 Liên minh châu Âu thường phải ngưng hoạt động do nước này áp dụng chính sách khắc khổ nhằm dồn tiền trả nợ nước ngoài.  Các biện pháp thắt lưng buộc bụng bao gồm cắt giảm lương, tăng thuế giá trị gia tăng và điều kiện để nhận được khoản cứu trợ 5 tỷ euro của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF là mở cửa cho thị trường điện, gas bằng cách tăng giá và cắt giảm trợ cấp cho hệ thống sưởi trung tâm. Nhiệt độ mùa đông ở khu vực Brad có khi xuống -30 độ C và nhiều khu căn hộ sắp tới sẽ không đủ điện, gas, sưởi ấm. “Tôi sẽ chỉ ngừng tuyệt thực khi nào chính phủ chấp nhận cấp ngân quỹ cần thiết cho chúng tôi”, ông thị trưởng 46 tuổi Cazacu tuyên bố.