EU và Anh - vì ta cần nhau

ANTĐ - Kịch bản u ám “Brexit” (Nước Anh rời khỏi EU) xem ra khó có khả năng xảy ra khi hai bên đã đạt được thỏa thuận về “quy chế đặc biệt” dành cho xứ sở sương mù nhằm giữ Anh ở lại trong “mái nhà chung EU”.

EU và Anh - vì ta cần nhau ảnh 1

Thủ tướng David Cameron đương đầu với cuộc chiến thuyết phục người dân Anh ủng hộ ở lại “mái nhà chung” EU

Dù còn 4 tháng nữa mới tới giờ “G” quyết định số phận nước Anh trong thành phần Liên minh châu Âu (EU) khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân tại nước Anh ngày 23-6 về việc ở lại hay rời khỏi liên minh gồm 28 thành viên này, song Thủ tướng David Cameron đã phải bước vào cuộc chiến quyết liệt nhằm thuyết phục người dân đồng ý ở lại EU. Việc Hội đồng châu Âu ngày 19-2 vừa qua thông qua “quy chế đặc biệt” dành cho Anh chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ông Cameron chứ chưa giúp mang lại lợi thế hơn hẳn cho ông cũng như những người ủng hộ nước Anh ở lại EU.

Được - mất, lợi - thiệt… của việc nước Anh ở lại hay rời khỏi EU đã quá rõ ràng đối với cả hai bên. “Ly khai” khỏi EU, nước Anh sẽ không còn phải chịu với những chính sách chung ràng buộc với liên minh ảnh hưởng tới lợi ích của mình, song cũng khiến nước này phải “trả giá” khi xa rời thị trường hiện chiếm tới 50% kim ngạch xuất khẩu cùng vị thế khó có thể đong đếm bằng lợi ích vật chất ở khu vực và thế giới. Ngược lại, để một cường quốc như Anh rời bỏ sẽ là một cú sốc gây thiệt hại lớn với EU, trong đó đáng lo nhất là điều này có thể khởi đầu cho sự tan rã của liên minh.

Tuy nhiên, với đa số người dân Anh thì không phải những vấn đề lớn lao hay cao xa mới là điều họ quan tâm nhất, mà quan trọng hơn cả là lợi ích sát sườn, cụ thể  là việc phải chia sẻ phúc lợi vốn đã eo hẹp cho những người lao động mới nhập cư vào Anh.

Chính vì thế, một trong những “quy chế đặc biệt” mà EU dành cho Anh là được “phá rào” quy định của liên minh để có chính sách phân biệt đối xử với người lao động nhập cư. Theo đó, ý định của Anh là “đóng băng” phúc lợi ngoài lương của người lao động EU nhập cư trong 4 năm đầu làm việc ở nước này sẽ được thực hiện trong thời hạn 7 năm.

Việc đạt được “quy chế đặc biệt” đã giúp đảo ngược xu hướng muốn tách khỏi EU của người dân Anh. Theo cuộc thăm dò ý kiến được đăng tải trên tờ Mail on Sunday ra ngày 21-2, có tới 48% số người được hỏi cho rằng nước Anh nên ở lại EU, 33% số người có ý kiến ngược lại, trong khi có 19% số người chưa có sự lựa chọn cuối cùng. 

Có thể thấy Thủ tướng Cameron đã tạo được lợi thế không nhỏ từ sự ủng hộ của người dân Anh, song cuộc chiến giữ nước này ở lại EU vẫn còn khá quyết liệt trong thời gian 4 tháng tới. Ngay sau cuộc họp nội các khẩn cấp sáng 20-2, tức chỉ một ngày sau khi Anh có được “quy chế đặc biệt”, vẫn có 6 trong số 29 Bộ trưởng nội các Anh đã công bố ý định nói “không” với quyết định ở lại EU để giành lại quyền tự chủ của mình, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove vốn được xem là đồng minh rất thân cận của Thủ tướng Cameron.

Hoàn toàn ý thức được những thách thức đang phải đối mặt, Thủ tướng Cameron tuyên bố giờ là lúc ông dành “cả trái tim và tinh thần” để vận động cử tri Anh ở lại EU. Mục tiêu chính ông Cameron muốn gửi tới thông điệp “nước Anh sẽ an toàn hơn, mạnh mẽ hơn và thịnh vượng hơn trong một EU cải cách” là 19% số người còn dùng dằng chưa quyết định ra đi hay ở lại “mái nhà chung” liên minh.