EU quyết "so găng" với Mỹ để bảo vệ doanh nghiệp hợp tác với Iran

ANTD.VN - Liên minh châu Âu (EU) đã quyết sẽ “chiến đấu” với Mỹ để bảo vệ các doanh nghiệp của liên minh này bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm vận chống Iran của Washington.

EU quyết "so găng" với Mỹ để bảo vệ doanh nghiệp hợp tác với Iran ảnh 1EU quyết bảo vệ doanh nghiệp các ngành công nghiệp, dược phẩm, ngân hàng, hàng không… chống lại lệnh trừng phạt Iran của Mỹ 

Ủy ban điều hành của Liên minh châu Âu (EU) ngày 6-8 cứng rắn tuyên bố, liên minh này đã sẵn sàng đưa ra các biện pháp hữu hiệu để bảo vệ doanh nghiệp châu Âu trước những tác động từ lệnh cấm vận được Mỹ tái áp đặt chống Iran. Những biện pháp này nằm trong “Quy chế phong tỏa” do EU ban hành và đã có hiệu lực từ 4h (giờ GMT) ngày 7-8. 

Cơ chế bảo vệ trên của EU sẽ ngăn các công ty châu Âu tuân thủ theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ, trừ khi được sự cho phép của Ủy ban châu Âu. Chính phủ các nước thành viên EU cũng được quyền sử dụng các biện pháp đáp trả “hiệu quả, cân xứng và mang tính răn đe” trong trường hợp doanh nghiệp của họ bị thiệt hại bởi lệnh cấm vận chống Iran của Mỹ. Những biện pháp bảo vệ còn bao gồm cả việc ngăn chặn ảnh hưởng của các hành động pháp lý từ phía Mỹ và giúp các công ty châu Âu có thể khắc phục những thiệt hại do lệnh trừng phạt gây ra. 

Quyết định được cho là quyết liệt bảo vệ doanh nghiệp châu Âu trên đây được công bố ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày 6-8 đã ký sắc lệnh tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Trước đó, hồi tháng 5 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) mà chính quyền tiền nhiệm Barack Obama ký kết cùng các cường quốc khác.

Việc Mỹ trừng phạt Iran được đánh giá sẽ ảnh hưởng lớn tới nhiều doanh nghiệp châu Âu làm ăn với quốc gia Trung Đông này kể từ khi lệnh cấm vận quốc tế được dỡ bỏ khi Iran đạt được JCPOA với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức) hồi năm 2015. Trong hơn 2 năm qua, hàng loạt “ông lớn” từ châu Âu đã gặt hái được nhiều hợp đồng, cơ hội làm ăn “ngon lành” tại quốc gia có nguồn dầu mỏ dồi dào này.

Trong lĩnh vực dầu mỏ, tập đoàn Total của Pháp đang triển khai một dự án trị giá tới 5 tỷ USD nhằm phát triển mỏ khí ở ngoài khơi South Pars của Iran. Trong khi đó, tập đoàn Royal Dutch Shell liên doanh Anh - Hà Lan cũng đã ký thỏa thuận để tìm hiểu các khoản đầu tư có thể tại Iran. 

Đối với lĩnh vực hàng không, sau thời gian dài cấm vận, Iran đã đặt mua hàng loạt máy bay mới từ châu Âu nhằm thay thế cho đội bay cũ kỹ, già nua, có nguy cơ mất an toàn cao. Trong đó, hãng Airbus đã ký hợp đồng bán 100 máy bay hành khách các loại và đã chuyển giao 3 chiếc. Liên doanh của Pháp và Italy cũng đã có được hợp đồng mua 20 chiếc máy bay ATR. 

Các tập đoàn sản xuất ô tô châu Âu cũng đã có những kế hoạch lớn phát triển tại thị trường Iran. Trong đó, PSA - hãng sản xuất xe hơi lớn thứ hai châu Âu của Pháp với các thương hiệu Peugeot, Citroen và Opel - đã bán được hơn 445.000 chiếc ô tô tại Iran trong năm 2017, qua đó Iran trở thành một trong những thị trường lớn nhất của hãng này ngoài Pháp. Trong khi, các hãng Renault (Pháp) và Volkswagen (Đức) cũng đã lên kế hoạch “nhảy vào” thị trường Iran, song đã “khựng” lại bởi lo ngại lệnh trừng phạt mới của Mỹ.

Nhiều doanh nghiệp khác của châu Âu trong các lĩnh vực như công nghiệp, dược phẩm, ngân hàng và đặc biệt là hàng không và du lịch cũng có thể phải chịu tác động khi Mỹ áp đặt trừng phạt chống Iran. Chịu thiệt hại nặng như vậy trước việc Mỹ đơn phương hủy bỏ JCPOA và áp đặt trừng phạt Iran nên EU quyết “đấu” với Mỹ để bảo vệ lợi ích cốt lõi của doanh nghiệp thuộc liên minh này cũng là điều đương nhiên cho dù Washington có là đồng minh chiến lược của họ đi chăng nữa.