EU nhờ vả khí đốt nhưng vẫn không quên dọa dẫm Nga

ANTĐ - Liên minh châu Âu vừa đưa ra một giải pháp trung gian với Moscow, đề nghị một hợp đồng cung cấp khí đốt ngắn hạn cho Kiev.

Ủy ban châu Âu vừa đưa ra đề nghị Kiev và Moscow ký một hợp đồng tạm thời cho việc cung cấp khí đốt với thời hạn hiệu lực cho đến khi có quyết định của Tòa án trọng tài Stockholm phân xử tranh cãi khí đốt giữa Ukraine và Nga.

Đó là tuyên bố hôm 23-9 của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách năng lượng Guenther Oettinger, tại một cuộc họp báo ở Kiev.

Theo lời ông, hợp đồng này có thể dự trù việc tập đoàn Nga "Gazprom" cung cấp cho hãng "Naftogaz của Ukraine" một khối lượng gas nhất định theo mức giá trung gian, cho đến khi có quyết định của Tòa án trọng tài Stockholm về những khoản nợ của Ukraine mua khí đốt của Nga.

Trong thời gian qua, 9 vòng đàm phán giữa Nga và Ukraine đã diễn ra với sự trung gian của Liên minh châu Âu, nhưng các bên vẫn không thể đồng ý cả về mức giá khí đốt (Nga đưa ra là 485 USD/1.000 m3 khí), cũng như việc Kiev thanh toán nợ.

Kết quả là ngày 16-6, "Gazprom" đã chuyển Ukraine sang chế độ trả tiền trước và ngừng cung cấp. Khoản nợ mà "Naftogaz Ukraine" cần trả cho khí đốt đã mua của Nga tại thời điểm đó là 5,3 tỷ USD, sau này đã được giảm xuống còn 4,5 tỷ USD.

EU nhờ vả khí đốt nhưng vẫn không quên dọa dẫm Nga ảnh 1

Khí đốt được coi là một công cụ gây sức ép rất mạnh của Nga


Ông Ettinger cũng tuyên bố phản đối bất kỳ hình thức trừng phạt trong lĩnh vực khí đốt. Ông này cho rằng không được lấy cung cấp khí đốt làm công cụ chính trị. Tuyên bố của ông này cho thấy, không chỉ Ukraine mà cả EU cũng đang bối rối với bài toán năng lượng.

Ukraine là trạm trung chuyển trọng yếu để Nga cung ứng năng lượng cho châu Âu. 80% lượng khí đốt mà Nga xuất khẩu sang EU đều vận chuyển qua Ukraine. Những tranh chấp khí đốt giữa Nga và Ukraine trong mấy năm qua đã nhiều lần gây ra sự gián đoạn khí đốt cho khách hàng châu Âu. 

Bài toán “năng lượng” trong nhiều năm qua luôn hóc búa đối với Nga và EU. Bởi lẽ, đây không phải thuần túy là bài toán kinh tế để phản ánh tương quan cung cầu của thị trường, mà luôn hàm chứa một ẩn số mang màu sắc “chính trị”.

Tất cả bắt nguồn trực tiếp cũng như sâu xa từ các mối quan hệ chính trị tay 3 giữa Nga - EU - Ukraine luôn gặp “sự cố”. Khí đốt đã trở thành công cụ để các bên gây áp lực cũng như tạo nguyên cớ giải quyết các “sự cố” chính trị đó.

Về vấn đề này, các phương tiện truyền thông Nga đặt ngược câu hỏi, tại sao Mỹ và EU lấy bao vây, trừng phạt toàn diện chính trị, quân sự, kinh tế làm ngón đòn gây sức ép với Nga mà Brussels lại cấm Moscow không được lấy cung cấp khí đốt làm công cụ chính trị? Có bán khí đốt cho Ukraine hay không, là quyền của Nga, không đến lượt EU phải xen vào.