EU củng cố hợp tác an ninh

ANTĐ - Thật khá bất ngờ, thay vì các vấn đề “truyền thống” như hội nhập, kinh tế hay nợ công… Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đang nhóm họp tại Brussels lại bàn thảo nhiều về an ninh và quốc phòng.

Các thành viên EU sẽ được trang bị máy bay Airbus A400M để cạnh tranh
 với C-130 và C-17 của Mỹ

Hội nghị Thượng đỉnh cuối cùng trong năm 2013 của EU diễn ra trong hai ngày 19 và 20-12 tại Thủ đô Brussels của Bỉ với trọng tâm là các vấn đề an ninh và quốc phòng. Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Nghị viện châu Âu (EP) Arnaud Danjean cho biết, lãnh đạo các quốc gia thành viên Liên minh tập trung thảo luận cách thức tăng cường hiệu quả của chính sách an ninh và quốc phòng chung của EU, cũng như tăng cường phát triển khả năng quốc phòng và ngành công nghiệp quốc phòng chung của châu Âu. 

Trước mắt, các nước EU sẽ tập trung chống tin tặc trong lĩnh vực quốc phòng, phát triển máy bay không người lái thế hệ mới, tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên trong lĩnh vực quốc phòng. Bên cạnh đó, EU cũng hỗ trợ việc phát triển các công ty vừa và nhỏ (PME) vì các công ty này giữ vai trò vô cùng quan trọng trong nền công nghiệp quốc phòng. 

Với tầm nhìn dài hạn đến năm 2020, EU sẽ tập trung vào các chính sách quốc phòng chung phục vụ cả hai mục đích dân sự và quân sự, thiết lập chương trình chung về hợp tác quốc phòng giữa các quốc gia thành viên. Nội dung chính trong chương trình hợp tác dài hạn là trang bị cho các quốc gia thành viên máy bay vận tải hạng nặng Airbus A400M, được xem là đối thủ cạnh tranh nặng ký với hai loại máy bay vận tải quân sự nổi tiếng C-130 và C-17 của Mỹ. 

Không phải ngẫu nhiên mà EU lại lấy vấn đề an ninh và quốc phòng làm trọng tâm của hội nghị thượng đỉnh cuối cùng của năm 2013. Không chỉ trong năm nay mà nhiều năm qua, các hội nghị thượng đỉnh của EU thường tập trung để xử lý những vấn đề nóng mới nảy sinh như các cuộc khủng hoảng hay vấn đề kinh tế, nợ công… Trong khi đó, dù là một liên minh gắn kết bậc nhất thế giới về nhiều mặt, song sự hợp tác chung của EU về vấn đề an ninh và quốc phòng lại tương đối lỏng lẻo. Sự phó mặc trách nhiệm chính đảm bảo an ninh và quốc phòng cho NATO vốn do Mỹ chi phối đã dẫn tới sự lúng túng và bị động của EU trong nhiều vấn đề an ninh và quốc phòng xảy ra ngay trong Liên minh hay liên quan tới lợi ích của Liên minh, điển hình là việc Pháp phải “đơn thương độc mã” can thiệp vào cuộc chiến ở Cộng hòa Trung Phi.

Hiện Bỉ và Ba Lan đã điều máy bay vận tải quân sự và một số binh sĩ tới Cộng hòa Trung Phi để san sẻ gánh nặng gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh tại Brussels, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã kêu gọi thành lập một quỹ thường xuyên của châu Âu để hỗ trợ cho các hoạt động quân sự khẩn cấp ở nước ngoài, trước khi lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ được triển khai, và cho biết sẽ đưa ý tưởng này ra trước các nhà lãnh đạo EU khi hội nghị thượng đỉnh diễn ra.

Nhằm nâng cao vai trò của EU trong việc giải quyết các thách thức an ninh và quốc phòng, Bộ trưởng Quốc phòng Litva, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, nhấn mạnh EU cần đề ra các cơ chế phản ứng hiệu quả đối với các tình huống khủng hoảng. Theo đó, Liên minh này sẽ soạn thảo chiến lược an ninh mới bởi chiến lược hiện nay được đề ra cách đây 10 năm không còn phù hợp với thách thức và nguy cơ mới.