EU còn đau đầu vì người tị nạn

ANTD.VN - Trái với chính sách hạn chế người nhập cư của Mỹ, Ủy ban châu Âu (EC) vừa tuyên bố có thể thực hiện các biện pháp trừng phạt vào tháng tới nếu cần thiết đối với các nước thành viên không tiếp nhận người nhập cư.

EU còn đau đầu vì người tị nạn ảnh 1Dòng người tị nạn trên lãnh thổ Hy Lạp

Vài năm gần đây, hàng trăm nghìn người tị nạn, chủ yếu là những người trốn chạy khỏi nội chiến và nghèo đói tại Trung Đông và Bắc Phi, đã vượt biển tới châu Âu, gây nên sự hỗn loạn. Để giải quyết cuộc khủng hoảng nhập cư, năm 2015, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã cam kết đón tiếp một số lượng người tị nạn mắc kẹt tại Hy Lạp và Italy hoặc đến trực tiếp từ Thổ Nhỹ Kỳ, Jordan và Liban. 

Tuy vậy, số liệu thống kê gần đây cho thấy sự thiếu tương trợ giữa các nước thành viên EU trong việc tiếp nhận những người tị nạn. Trong tháng 12-2016 và tháng 1-2017, số người tị nạn đến Hy Lạp và Italy được các nước thành viên khác tiếp nhận chỉ đạt khoảng 60% khả năng đề ra. Xem ra, nhiều người châu Âu không đồng tình với chính sách hạn ngạch người tị nạn của EU. 

Trước hết là bởi vấn đề kinh tế. Theo nhật báo Bild của Đức, tính theo mức giá vào thời điểm cuối tháng 11-2016, chi phí cho mỗi người tị nạn ở Đức lên tới 11.800 euro/năm, bao gồm nhà ở, trả lương cho người chăm sóc trẻ vị thành niên không có bố mẹ đi cùng, trường học và các khóa dạy tiếng Đức. Con số này còn tăng hơn nhiều nếu tính đến những khoản tiền bổ sung dành cho quá trình hội nhập vào xã hội sở tại và học nghề hay nâng cao trình độ.  

Mối lo thứ hai là nguy cơ rất khó kiểm soát những phần tử khủng bố trà trộn vào dòng người tị nạn đang tràn vào châu Âu. Ai cũng biết nghi phạm chính trong vụ tấn công bằng xe tải vào chợ Giáng sinh Breitscheidplatz ở Berlin, Đức, hôm 19-12 năm ngoái khiến 12 người thiệt mạng và hơn 50 người bị thương là A. Amri, một thanh niên 24 tuổi đến từ Tunisia, kẻ bị nhà chức trách Đức từ chối đơn xin tị nạn vào tháng 6-2016. Trong khi việc trục xuất người này chưa thể thực hiện do phía Tunisia trì hoãn trong việc cấp lại giấy tờ cá nhân cho công dân của mình thì vụ khủng bố xảy ra. 

Chính vì thế mà không ít nước châu Âu cũng như các chính đảng ở châu lục này phản đối chính sách về người tị nạn của EU. Ở Hungary, thủ lĩnh đảng cực hữu Jobbik đối lập G. Vona đã công khai đòi đệ trình lên Quốc hội xem xét việc sửa đổi Hiến pháp nhằm cấm tiếp nhận người tị nạn. Bộ Quốc phòng Áo thì soạn thảo kế hoạch nhằm thay đổi chính sách tiếp nhận người di cư của Liên minh châu Âu (EU), qua đó đề nghị EU hạn chế tiếp nhận người tị nạn trên toàn châu Âu.

Có nước như Áo thì đề nghị giải pháp ôn hòa hơn là thành lập các trung tâm tị nạn tại các quốc gia như Niger, Jordan và Uzbekistan để thuận lợi hơn cho công tác hỗ trợ của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR). Những người di cư bị bác đơn xin tị nạn hoặc những người vào EU trái phép nhưng không thể trở về quê hương sẽ được chuyển đến các “khu vực bảo trợ” có liên kết với các trung tâm tị nạn trên.

Mỗi nước một ý khiến Ủy ban châu Âu (EC) phải tính đến việc đưa ra các biện pháp pháp lý đối với các nước thành viên không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo qui định của liên minh. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 8-2 vừa rồi, Phó Chủ tịch thứ nhất EC, ông F. Timmermans cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt nhưng còn cân nhắc liệu khả năng này có giúp ích được cho những người tị nạn trong ngắn hạn hay không.  Ông cũng cho biết bản thân nghiêng về một giải pháp “thực dụng và mang tính chính trị”. 

Phải đến tháng 3 tới, EC sẽ có báo cáo tình hình thực thi chương trình tiếp nhận người tị nạn, sau đó sẽ đưa ra các lựa chọn cần thiết. Khủng hoảng người tị nạn vẫn tiếp tục làm châu Âu đau đầu.