EU cần liên minh với quốc gia Hồi giáo để ngăn chặn khủng bố

ANTĐ -Ngày 19-1, tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), Federica Mogherini đã kêu gọi một liên minh rộng rãi, kể cả với các quốc gia Hồi giáo để giải quyết vấn đề khủng bố. 

EU cần liên minh với quốc gia Hồi giáo để ngăn chặn khủng bố ảnh 1Federica Mogherini: “Chúng ta cần một liên minh, cần một cuộc hội đàm”.

Hội nghị thượng đỉnh được tổ chức sau các cuộc tấn công khủng bố tại Paris, khiến 17 người thiệt mạng và các cuộc khủng bố tại Bỉ. Trong cuộc họp, bà Federica Mogherini nhấn mạnh, cần phải có nhiều hoạt động hợp tác với các quốc gia Hồi giáo trong nội bộ EU.

Nguyên nhân của các vụ tấn công trên là do tờ báo châm biếm Charlie Hebdo đã sử dụng những hình ảnh châm biếm nhà tiên tri Muhammad, những hình ảnh này đã chọc giận thế giới Hồi giáo.

Song sau các cuộc tấn công, Charlie Hebdo tiếp tục xuất bản số báo mới nhất với hình ảnh biếm họa về nhà tiên tri Muhammad. Động thái này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình giận dữ ngày càng lan rộng trên toàn thế giới, nhất là ở một số quốc gia như Pakistan, Niger, Algeria.

Hôm 19-1, hàng chục ngàn người diễu hành qua Grozny ở Chechnya để phản đối các tạp chí. Họ mang theo khẩu hiệu “Đừng đụng vào nhà tiên tri Muhammad”.

Trong cuộc đàm phán tại Brussel, bà Mogherini nói: “Chúng tôi không chỉ đối mặt với các mối đe dọa ở Paris, mà nó còn lan rộng ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, bắt đầu từ các nước Hồi giáo. Vì vậy chúng ta cần phải tăng cường hợp tác với nhau, trước hết là hợp tác với các nước Ả Rập và sau đó trong nội bộ. Chúng ta cần phải chia sẻ thông tin nhiều hơn, chúng ta cần phải hợp tác nhiều hơn nữa đặc biệt là với các nước Hồi giáo”.

Bà Mogherini tiếp tục cho biết: “Chúng tôi sẽ thảo luận với Tổng thư ký Liên đoàn Ả Rập, Nabil al-Arabi về vấn đề làm thế nào để tăng cường hợp tác. Chúng ta cần một liên minh, cần một cuộc đối thoại”.

Ngoại trưởng Anh, Philip Hammond cũng nhận định rằng, các quốc gia Hồi giáo trên thế giới là những người phải chịu gánh nặng lớn nhất của chủ nghĩa khủng bố. Vì vậy, chúng ta cần phải làm việc chặt chẽ với họ để bảo vệ họ cũng như các quốc gia EU.

Trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh, Ngoại trưởng các nước cũng sẽ đàm phán về sự mở rộng của tổ chức nhà nước hồi giáo IS tại Iraq và Syria, chủ nghĩa cực đoan quay trở lại châu Âu và tình hình chiến sự đang leo thang tại miền đông Ukraine.

Mặc dù vậy, sẽ không có bất kỳ quyết định nào được đưa ra trong cuộc họp. Các quan chức cấp cao chỉ đưa ra một loạt sự lựa chọn để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh “đặc biệt” về các cuộc khủng bố vào ngày 12-2 tới.

Trong một động thái khác, các quan chức Mỹ xác nhận rằng Ngoại trưởng Mỹ, John Kerry sẽ tham dự hội đàm tại London về IS. Cuộc hội đàm sẽ diễn ra vào ngày 22-1, tập trung vào làm thế nào để nhổ tận gốc các chiến binh nhà nước Hồi giáo IS.