“Ép” mặt bằng lãi suất

ANTĐ - Trước đây, dòng vốn đổ vào chứng khoán, bất động sản đã khiến cho chi phí sản xuất kinh doanh tăng lên, gây sức ép lên các doanh nghiệp. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang “nắn” dòng tín dụng, ép toàn bộ dòng tiền còn lại vào các doanh nghiệp làm ăn hiệu quả. Đây là việc làm đòi hỏi độ trễ về thời gian. Thế nhưng, doanh nghiệp chưa thể hấp thụ và “tiêu hóa” ngay dòng tiền này nên đã tạo ra tình trạng vốn cho doanh nghiệp suy kiệt, thanh khoản ngân hàng dư thừa và tín dụng đóng băng.

Theo ý kiến của Giám đốc Ban Vốn và Kinh doanh vốn, Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam, giải bài toán bế tắc này là không đơn giản và dễ dàng cho các ngân hàng. Song đây là việc làm cần thiết, đồng thời là sức ép để giảm lãi suất trong toàn bộ nền kinh tế. Khi lãi suất giảm đến một mức độ nào đó sẽ kích thích hoạt động đầu tư, sản xuất của doanh nghiệp. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 13 với những giải pháp mạnh hơn, khẩn trương hơn cho phù hợp với tình hình, đặc biệt tập trung chủ yếu vào nhóm giải pháp về ngân hàng và thuế. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là các bộ, ngành phải “xúm vào” cùng doanh nghiệp xem họ vướng cái gì, vướng ở đâu có thể tháo gỡ thì phải tập trung hết sức.

Bàn về gói giải pháp giãn thuế cho doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, gói giải pháp đó chỉ mang tính “động viên” là chính. Chẳng hạn với con số giảm khoảng 7 tỷ đồng tiền thuế cho 25.000 hộ và cá nhân kinh doanh nhà trọ, suất ăn ca cho công nhân, nếu tính trong 12 tháng mỗi hộ chỉ được miễn giảm 30.000 đồng, chỉ hơn một bát phở. Kể cả miễn giảm thuế tiền thuê đất, miễn thuế môn bài thì tổng cộng chỉ khoảng 9.100 tỷ đồng. Hiện cả nước có 540.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 250.000 doanh nghiệp thường xuyên nợ đọng thuế, so với 9.100 tỷ đồng thì quả là “như muối bỏ bể”, sức nặng tài chính không đáng kể. Miễn giảm thuế thực ra chỉ như một tác nhân, góp phần khích lệ chứ không giải quyết được vấn đề.

Vì thế, theo một chuyên gia thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, vấn đề lớn nhất và nguy hại nhất của nền kinh tế hiện nay là tình cảnh doanh nghiệp bị “suy kiệt” nguồn vốn trong khi ngân hàng đóng băng tín dụng. Vị chuyên gia này cho rằng, tạm phân loại doanh nghiệp thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất nhưng tồn kho cao.

Với nhóm này ngân hàng muốn cho vay để tiếp tục sản xuất nhưng vì lãi suất cao, hàng hóa tồn kho chưa giải phóng được nên họ không dám vay đầu tư trung và dài hạn mà chỉ vay vốn lưu động. Muốn giải tỏa ách tắc này, cần tiếp tục hạ lãi suất tiền vay để họ mạnh dạn vay đầu tư. Nhóm thứ hai là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm số đông tập trung ở khu vực tư nhân. Họ vừa “ngắc ngoải” vì nợ xấu, ít tài sản thế chấp, vừa điêu đứng vì không tiêu thụ được sản phẩm. Đối với nhóm này, phải tìm mọi cách làm lành mạnh cân đối tài chính để đưa họ trở về chuẩn mực tài chính. Muốn thế Chính phủ phải bỏ ra một khoản tiền mua lại nợ xấu của họ thì họ mới có thể vay khoản mới.

Sản xuất kinh doanh “hấp thụ” đến đâu thì dòng tiền sẽ chảy đến đó. Với mức lãi suất hiện tại, rõ ràng sản xuất vẫn chưa thể hấp thụ và sử dụng được. “Nắn” dòng tín dụng nhưng sẽ phải “ép” mặt bằng lãi suất chung giảm nữa.