Éo le chuyện tình đồng tính ở trại tâm thần

ANTĐ -  Người mắc chứng tâm thần vẫn có sở thích quan hệ cùng giới nhưng không hề biết mình là người đồng tính?

Cách trung tâm TP.HCM khoảng 40 km, tọa lạc tại phường Tam Phú (quận Thủ Đức, TP.HCM) là Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần (TTĐDNBTT). Tại nơi ở của bệnh nhân, có khá nhiều cặp nam, nữ đồng tính sống bên nhau, quan tâm, chăm sóc nhau như vợ chồng…

Sau cánh cửa sắt này là những bệnh nhân tâm thần trong đó có cả những cặp đồng tính (Ảnh: Cao Lâm)
Sau cánh cửa sắt này là những bệnh nhân tâm thần trong đó có cả những cặp đồng tính (Ảnh: Cao Lâm)
Trước khi đến TTĐDNBTT, phóng viên có cuộc thăm dò tại một số khu vực trong TP.HCM.
Khảo sát trên 100 sinh viên (SV) nam, nữ tại một số trường đại học về sự quan tâm đến mối tình đồng tính của SV, 40% SV biết trong trường có một số cặp đồng tính công khai, 50% SV biết đến những cặp đồng tính do bạn bè truyền tai nhau kể lại, 10% SV còn lại không nêu ý kiến vì không muốn quan tâm đến cuộc sống riêng tư người khác, sợ ảnh hưởng đến việc học tập của các bạn khi bị nhiều người kỳ thị.
Tại một số quán bar, vũ trường ở trung tâm TP.HCM, vào những đêm dành riêng cho người đồng tính, rất nhiều cặp tình nhân đồng tính tay trong tay quay cuồng theo các vũ điệu bốc lửa có, mùi mẫn có…
Phỏng vấn trên 10 cặp tình nhân đồng tính, họ đều cho biết, đến bar, vũ trường… là cơ hội để được công khai giới tính thật của mình, được vui vẻ, thoải mái, ai cũng giống nhau nên không ai kỳ thị ai…
Chúng tôi có mặt tại trại C của trung tâm này, khu vực chỉ dành riêng cho bệnh nhân nữ. Tại đây có hàng trăm nữ bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi từ bé gái 13 đến bà cụ gần 70 tuổi.
Y tá Nguyễn Thị Thắm cho biết, nhiều năm qua, có nhiều cặp đồng tính nữ sống với nhau như vợ chồng. Ban đầu thấy khó chịu, nhưng dần dần cũng quen mắt và cảm thấy đó là chuyện bình thường. Sau này lại cảm thấy thương và chia sẻ với họ. Sống thành cặp cùng nhau, họ nương tựa tình cảm và đỡ đần nhau.
Để chúng tôi hiểu rõ hơn về cuộc sống của các cặp nữ đồng tính ở trại C, chị Thắm đã cho chúng tôi tiếp xúc trực tiếp với họ.
Khi cánh cửa trại C mở ra, đập vào mắt chúng tôi là cảnh ồn ã với những tiếng la hét, gào khóc, vò đầu bứt tóc rồi chạy trốn của những bệnh nhân đang lúc lên cơn loạn thần. 
Chị Thắm kể cho chúng tôi nghe về một cặp bệnh nhân nữ đồng tính. Bệnh nhân Lê Trần Lệ Th. (SN 1980, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM), nhiều lần lên cơn loạn thần, không kiểm soát được hành động của chính mình. Năm 2004, gia đình phải làm thủ tục gửi Th. vào trại để điều trị bệnh.
Những lúc tỉnh táo, Th. vẫn có ý thức như người bình thường, hàng ngày vẫn uống thuốc đều đặn, giúp mau bớt bệnh.
“Thời gian chưa vào trại, tính khí như con trai, thích quậy phá nghịch ngợm. Những khi lên cơn, Th. quyết làm tất cả để chứng tỏ bản lĩnh như một người đàn ông”, cô y tá kể lại.
Trong quá trình điều trị, các y bác sĩ phát hiện giữa Th. và Trần Nguyễn Hoàng T. (SN 1980, ngụ Vĩnh Long) có nhiều biểu hiện tình cảm khác thường như yêu mến, quan tâm, chăm sóc nhau, có những cử chỉ thân mật… Gần 1 năm nay, họ công khai đối xử với nhau như vợ chồng.
Cặp đồng tính nữ Th. (phải) và T.(trái) sống với nhau như vợ chồng ngay trong trại C (Ảnh: Cao Lâm)
Cặp đồng tính nữ Th. (phải) và T.(trái) sống với nhau như vợ chồng ngay trong trại C (Ảnh: Cao Lâm)
Sau khi uống thuốc xong, nhiều bệnh nhân khá tỉnh táo nên một số cặp đồng tính nữ lại quan tâm, chăm lo cho nhau qua từng bữa ăn.
Một cặp đồng tính đang quan tâm bữa ăn cho nhau
Một cặp đồng tính đang quan tâm bữa ăn cho nhau
Ở khu trại dành riêng cho bệnh nhân tâm thần nam cũng có nhiều cặp bệnh nhân đồng tính. Do lượng y bác sĩ không đủ đáp ứng so với số lượng bệnh nhân ngày càng đông nên những trường hợp người đồng tính trong trại nam, các bác sĩ cũng không can thiệp vì họ không gây hại đến các bệnh nhân khác.
Tại khu trại nam, chúng tôi gặp vợ chồng ông Nguyễn Phạm H. (ngụ quận Tân Bình) khi họ vào thăm cậu con trai 25 tuổi đang bị mắc chứng tâm thần, lại có xu hướng quan hệ đồng tính. Giọng buồn buồn, ông H. tâm sự: “Có lẽ con tôi bị bẩm sinh, là người đồng tính thật, lại mắc chứng tâm thần. Nên khi gặp người cùng giới, nó có những hành động thân mật mà không biết mắc cỡ. Thích người cùng giới đã ngấm vào trong máu nó, không biết nó có hiểu được nó đang là người đồng tính không?”.

Những bệnh nhân đồng tính nam luôn cặp kè bên nhau ở bất cứ đâu trong trại
Những bệnh nhân đồng tính nam luôn cặp kè bên nhau ở bất cứ đâu trong trại
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Văn Ngái (Giám đốc TTĐDNTT Thủ Đức) cho biết, các biểu hiện khi bệnh nhân lên cơn loạn thần mới là vấn đề khó khăn đối với các bác sĩ, y tá của trung tâm. "Vấn đề đồng tính không phải là trở ngại vì không ảnh hưởng đến sinh hoạt của các bệnh nhân khác. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ từ từ tách họ ra chứ cấm đoán hoàn toàn thì cũng không được…".
BS Nguyễn Văn Ngái cho biết thêm, hiện Trung tâm đang điều trị cho 1.230 bệnh nhân (752 nam, 438 nữ) trong đó có một số các bệnh nhân nam, nữ đồng tính nhưng con số chưa nhiều.
Một chuyên gia tư vấn tâm lý cho rằng: “Đa số học sinh, sinh viên đồng tính thường có tâm trạng hoang mang, cô độc. Họ có thể sa sút tinh thần, có thái độ bướng bỉnh, nhiều học sinh thường xuyên có ý định tự sát. Bên cạnh đó, vì lý do sợ xã hội kỳ thị, nhiều người đồng tính nam đã lập gia đình với phụ nữ và sinh con. Tuy nhiên, họ không cảm thấy hạnh phúc và gây ra đau khổ cho người vợ của mình. Ngoài ra, vì chưa được xã hội công nhận, người đồng tính thường giấu mình. Như vậy, càng làm tăng khả năng lây nhiễm HIV trong cộng đồng”.