Edward Snowden sẵn sàng giúp Đức buộc tội Mỹ nghe lén

ANTĐ - Cựu nhân viên tình báo Mỹ - Edward Snowden, người đã tiết lộ thông tin Mỹ do thám nhiều nước khiến cả thế giới chấn động – sẵn sàng làm chứng cho việc Mỹ nghe lén điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel trong nhiều năm.

Vào ngày thứ năm (31/10) vừa qua theo giờ địa phương, ông Hans-Christian Ströbele, một đại diện thuộc Đảng Xanh trong Hạ viện Đức, phát biểu với kênh phát thanh ARD, rằng Snowden sẵn sàng giúp Đức điều tra về hành động gián điệp của Mỹ.

Ông Ströbele cho biết ông và Edward Snowden đã có một cuộc gặp mặt, bàn bạc chi tiết, và rõ ràng Snowden biết rất nhiều về vấn đề này.

Edward Snowden, cựu nhân viên kỹ thuật hợp đồng của NSA. (Ảnh: AFP 2013/The Guardian)

Tuần trước, phòng Công tố Liên bang Đức đã tuyên bố rằng có thể sẽ mời Snowden làm nhân chứng trong vụ điều tra này.

Một báo cáo mới đây trên tờ Der Spiegel, Đức cho rằng NSA đã theo dõi điện thoại của Thủ tướng Merkel hơn 10 năm. Bài viết trên Der Spiegel trích dẫn một số nguồn tài liệu bị lộ của chính phủ Mỹ, cáo buộc một trạm nghe lén được đặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Berlin đã theo dõi mọi cuộc trao đổi của bà Merkel. Bà Merkel cũng đã gọi điện tới Tổng thống Mỹ Barack Obama để yêu cầu làm rõ về tin xấu mà bà nhận được. Cũng theo bài báo cáo trên Der Spiegel, Tổng thống Mỹ đã gửi lời xin lỗi tới bà Merkel, nhưng nói rằng ông không hay biết về việc nghe lén gián điệp này.

Edward Snowden, sinh năm 1983, là cựu nhân viên hợp đồng Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA), cựu nhân viên chính thức của Cơ quan tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), hiện đang sống tại một nơi bí mật ở Nga với tư cách là người tị nạn chính trị. Việc Snowden tiết lộ những thông tin tuyệt mật của NSA được coi là một trong những vụ rò rỉ thông tin có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Với hành động này, Snowden hiện đang là chủ đề của hàng loạt những tranh luận trên khắp thế giới, có người coi Snowden là một anh hùng, hoặc một nhà yêu nước, nhưng cũng có người coi anh là kẻ phản bội. Tiết lộ của Snowden về chương trình theo dõi, hoạt động gián điệp của chính phủ Mỹ đã tạo ra một hiệu ứng mạnh mẽ trên khắp thế giới.