Duy trì chống dịch với đảm bảo sinh kế cho người dân và sản xuất của doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bất chấp nỗ lực của thế giới, dịch bệnh Covid-19 vẫn kéo dài với những hậu quả nặng nề về y tế và kinh tế. Thực tế đó đang khiến nhiều nước, trong đó có Việt Nam, phải tính đến chiến lược “sống chung” với dịch, làm sao vừa chống dịch hiệu quả, vừa có các giải pháp phát triển kinh tế trong và sau đại dịch, không để lỡ nhịp và giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Hỗ trợ nhu yếu phẩm với người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam

Hỗ trợ nhu yếu phẩm với người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam

Trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người dân phải đặt lên hàng đầu

Không giống các chủng virus SARS-CoV-2 trước đây, chủng mới Delta có khả năng lây nhiễm rất nhanh. Chính vì thế, khác với các đợt dịch trước, cơn bão Covid-19 lần thứ 4 ở Việt Nam diễn biến hết sức phức tạp, khó lường bởi sự lây lan rộng và sâu ở nhiều địa phương. Không những thế, với sự xuất hiện của các biến chủng virus corona, dịch bệnh vẫn có thể lây nhiễm ngay cả với những người đã được tiêm chủng.

Dịch bệnh cũng tác động nặng nề với người lao động. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong quý II-2021, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Trong đó, 557 nghìn người bị mất việc; 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên; 8,5 triệu lao động bị giảm thu nhập. Đợt dịch này cũng đã xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung một lượng lớn lao động (khoảng 4 triệu người), có các doanh nghiệp lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế, thu ngân sách. Một số ngành như giao thông vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hóa, thể thao bị ảnh hưởng nặng nề, mất đi đà phục hồi của năm 2020 và sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn.

Trong bối cảnh đó, làm sao có thể “sống chung” với dịch bệnh, thực hiện được “mục tiêu kép” là thử thách hết sức gian nan. Phải thấy rằng quay trở lại tình trạng “Zero Covid” là điều khó có thể thực hiện. Trên thực tế, nhiều nước có tham vọng “Zero Covid” đang phải tái xem xét chiến lược chống dịch của mình, chuyển trọng tâm chống dịch từ loại bỏ hoàn toàn Covid-19 sang giảm số bệnh nhân nguy kịch và tử vong. Nhưng muốn “sống chung” được với dịch bệnh thì đòi hỏi nỗ lực của cả cộng đồng.

Trong khi chờ đợi có vaccine để tiêm đủ số người cần thiết tạo miễn dịch cộng đồng, điều quan trọng nhất lúc này tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ là chấp hành nghiêm các quy định phong tỏa và hạn chế đi lại. Thời gian qua, tại một số địa phương, xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan, một số trường hợp không thực hiện đúng các biện pháp phòng dịch, không tuân thủ quy định giãn cách, thậm chí có những cá nhân chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Đây là một trong những nguyên nhân khiến phát sinh các chùm ca bệnh, các ổ dịch Covid-19.

Tất nhiên, việc thực hiện giãn cách dài ngày khiến cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình có những xáo trộn, khó khăn. Nhiều người lao động đang tạm thời nghỉ việc, mất nguồn thu nhập, nhiều công việc, dự định tạm gián đoạn, những niềm vui sum vầy cũng phải gác lại. Song trong lúc này, sức khỏe, tính mạng con người là quan trọng nhất. Mỗi người hãy nỗ lực khắc phục những khó khăn của bản thân, chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch để góp phần thiết thực vào việc đẩy lùi dịch bệnh. Đừng để chỉ từ một phút giây “tặc lưỡi” bỏ qua các biện pháp phòng, chống dịch, mà có những hành vi “tiếp tay” cho dịch bệnh lây lan, đe dọa sự an toàn của bản thân và thậm chí cả cộng đồng. Hơn lúc nào hết, tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người dân phải đặt lên hàng đầu, được coi là “lá chắn thép” trong phòng, chống dịch, góp phần phòng ngừa và đẩy lùi dịch bệnh.

Duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng

Để có thể “chung sống” an toàn với Covid-19, rất nhiều việc cần phải được chính quyền các cấp quan tâm. Để thực hiện giãn cách xã hội hiệu quả, người dân phải được cung cấp đủ thông tin để chủ động nắm bắt và phòng tránh dịch bệnh, đồng thời cũng phải đủ điều kiện để có thể sinh sống và tham gia đóng góp phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, vấn đề cốt lõi vẫn là làm sao để người dân yên tâm thực hiện giãn cách xã hội. Nói cách khác, người dân phải bảo đảm được sinh kế, được tiếp cận chăm sóc y tế. Còn nếu thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội tới mức làm đứt gãy các hoạt động thiết yếu, làm người dân không thể tiếp cận dịch vụ y tế cần thiết, thiếu thốn lương thực… thì họ sẽ cảm thấy bất an.

Muốn như vậy, nhu cầu thiết yếu của người dân phải được đáp ứng, những người lâm vào khó khăn phải được hỗ trợ cấp thiết. Nhóm người có thu nhập thấp, người lao động bị mất việc hay bị ảnh hưởng xấu bởi dịch bệnh, người già không có người chăm sóc và những người có bệnh nền cần được chú ý đặc biệt. Nếu không được hỗ trợ kịp thời, họ phải gánh rủi ro sức khỏe và an nguy sinh mệnh, từ đó mà tìm cách phá vỡ các quy định để giải quyết nhu cầu cấp thiết của mình. Thực hiện giãn cách xã hội chặt chẽ là giải pháp phù hợp, nhưng cần phải bảo đảm rằng trong điều kiện đó thì người dân vẫn được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu bảo đảm cuộc sống. Đó là trách nhiệm mà chính quyền các cấp phải quan tâm.

Cùng với việc bảo đảm đời sống của người dân là nhiệm vụ duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng về lao động, hàng hóa, sản xuất toàn cầu. Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình phát triển kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2021 và về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh nỗ lực khôi phục lại sản xuất ở các nhà máy, xí nghiệp và yêu cầu phải cương quyết giữ mạch lưu thông hàng hoá, đồng thời bảo đảm lưu thông về tiền tệ, tài chính - mạch máu của nền kinh tế.

Muốn vậy, doanh nghiệp tại các địa phương giãn cách xã hội cần thực hiện sáng tạo cách làm “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” phù hợp với tình hình từng địa phương. Những nơi an toàn, sản xuất được thì hỗ trợ nơi đang là tâm dịch. Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các hình thức phù hợp khác để vừa thực hiện cách ly, vừa sản xuất kinh doanh. Tất nhiên sinh mệnh là trên hết nhưng cũng không thể coi thường sinh kế. Nếu chỉ áp dụng cứng các biện pháp thì nền kinh tế cũng có thể sẽ không chịu được. Chi phí phát sinh từ “3 tại chỗ” rất lớn cộng thêm tâm lý người lao động không ổn định khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp cần có sự chuyển trạng thái linh hoạt hơn, đề cao vai trò và sự sáng tạo của cơ sở để có thêm các phương án tổ chức sản xuất an toàn, phù hợp trong điều kiện mới.