Duy trì bữa cơm chung để giữ hạnh phúc gia đình

ANTĐ - Nói đến văn hóa gia đình Việt, người ta thường đề cập đến bữa cơm. Bữa cơm không chỉ đơn thuần là nơi các thành viên trong gia đình cùng thưởng thức món ăn mà điều ý nghĩa hơn đó là sự gắn kết, hình thành nên truyền thống gia đình. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, vai trò của bữa cơm trong gia đình ngày càng mờ nhạt.

Nền tảng của hạnh phúc và sức khỏe

Người Việt coi trọng tình cảm nên có thói quen sau một ngày làm việc vất vả, cùng nhau quây quần bên bữa cơm chiều trong mái nhà chung. Khác với một số nước phương Tây thường giữ im lặng trong lúc ăn, bữa cơm gia đình Việt thường sôi nổi khi ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em vừa ăn vừa kể cho nhau nghe những chuyện diễn ra trong ngày. Bữa cơm chính là sợi dây gắn kết tình cảm của các thành viên trong gia đình.

Không chỉ là nơi gia đình tụ họp ăn uống, mâm cơm còn chính là nơi thể hiện rõ nét văn hóa giao tiếp ứng xử của người Việt. Chính vì vậy mà cách ăn cũng được xem là nét văn hoá Việt.

Việc ăn chung một mâm, ngồi chung một chiếu, chấm chung bát nước chấm thể hiện tính cộng đồng, cộng cảm. Người Việt có truyền thống kính trọng người già, người lớn tuổi nên trước khi ăn, người nhỏ tuổi hơn phải mời người lớn tuổi.

Duy trì bữa cơm chung để giữ hạnh phúc gia đình ảnh 1

Bữa cơm gia đình là nền tảng văn hóa để duy trì hạnh phúc gia đình

Mỗi bữa cơm gia đình không chỉ để ăn cho no mà còn để mọi người trong gia đình hiểu nhau hơn, truyền thống, nền nếp gia đình cũng được hình thành từ những bài học quý giá được ông bà, cha mẹ truyền dạy cho con cháu ngay trong lúc ăn cơm.

Xét về khía cạnh duy trì sức khỏe gia đình của bữa cơm chung, GS Trần Ngọc Thêm trong cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” có viết: cơ cấu bữa ăn Việt mang đậm truyền thống văn hóa nông nghiệp lúa nước, bởi sự thiên về thực vật.

Và trong thực vật thì lúa gạo là thành phần chính nên “mô hình” bữa cơm Việt truyền thống là cơm - rau - cá. Như thế, mặc nhiên đứng đầu trong cấu trúc bữa cơm Việt phải là cơm tẻ. Mô hình bữa cơm này cũng phù hợp với khí hậu ở Việt Nam là nắng nóng, ẩm cao. Bữa cơm hàng ngày đã thành căn cốt trong nếp nhà người Việt và cũng tự nhiên, thành thước đo sức khỏe của người Việt. 

Tuy nhiên, bữa ăn Việt đang biến tấu rất nhanh theo lối sinh hoạt hiện đại của người Việt, bắt nhịp nhanh theo trào lưu hiện đại của ẩm thực thế giới, với những đồ ăn nhanh thiếu dinh dưỡng, thừa chất béo. Từ đó, cũng đã nảy sinh vấn đề trong bữa ăn Việt hiện đại.

Sự thay đổi quan niệm

Trong xã hội hiện đại, con người trở nên bận rộn hơn khiến nhiều gia đình ít có cơ hội được ngồi bên nhau trong bữa cơm ấm cúng. Người ta thường chọn cách ăn tiện hơn: ăn ngoài đường phố, ở cửa hàng hay các quán ăn nhanh. Có những gia đình, cả tuần liền bố mẹ không ăn chung với con cái bữa cơm nào.

Vai trò của người phụ nữ hiện đại cũng thay đổi. Người phụ nữ ngoài công việc gia đình vẫn phải gánh vác thêm trách nhiệm xã hội, do đó, thời gian có mặt ở nhà ngày càng ít, khiến gia đình thiếu đi những bữa cơm ngon.

Trong khi đó, đàn ông mải mê với các quan hệ công việc, xã hội nên cũng quên đi hương vị của những bữa cơm gia đình. Đó có lẽ cũng là một trong những nguyên do làm cho tình cảm gia đình bị rạn nứt.

Quả thật không sai khi nói, sự tan rã của gia đình thường bắt đầu từ sự tan rã của bữa ăn chung. Khi không được ăn cùng nhau, được trò chuyện và chia sẻ thì sẽ không hiểu được nhau, con cái-cha mẹ, vợ-chồng xa cách nhau dẫn đến hạnh phúc gia đình rạn vỡ. 

Các chuyên gia tâm lý và các nhà xã hội học đã khẳng định: một trong những bí quyết để gìn giữ mái ấm gia đình đó là chăm lo tới những nhu cầu cơ bản nhất nhưng lại đáng trân trọng nhất như chăm sóc cho mỗi bữa ăn chung. Một bữa cơm gia đình không chỉ làm ấm hơn tình thân giữa các thành viên mà còn là nguồn cung cấp dinh dưỡng lành mạnh đảm bảo chất lượng cuộc sống.

Ngày Gia đình Việt Nam năm nay (28-6) tiếp tục tuyên truyền chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” với ý nghĩa trân trọng những giây phút sum họp của mọi gia đình bên mâm cơm -nền tảng văn hóa để duy trì hạnh phúc gia đình.