Đường vành đai 4 và 5 vùng Thủ đô: Địa phương đồng loạt kiến nghị Trung ương đầu tư

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các địa phương nằm trong quy hoạch đường vành đai 4 và 5 vùng Thủ đô đều kiến nghị Bộ GTVT xem xét đầu tư bằng nguồn vốn Trung ương.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, hiện nay, Vùng Thủ đô Hà Nội gồm 9 tỉnh, theo quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội có 2 tuyến đường vành đai vùng (vành đai 4 và vành đai 5).

Cụ thể, đường vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết tại Quyết định số 1278/QĐ-TTg ngày 29/7/2011 đi qua TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh, với chiều dài 98km, quy mô 6 làn xe. Tổng mức đầu tư 66.500 tỷ đồng.

Tiến độ đến thời điểm hiện tại, đường vành đai 4 mới chỉ có TP Hà Nội lập đề xuất đầu tư các dự án thành phần theo hình thức BT và BOT nhưng chưa phê duyệt đề xuất đầu tư (53,52 km); các đoạn tuyến còn lại qua tỉnh Hưng Yên (19 km), tỉnh Bắc Ninh (21 km) chưa lập đề xuất đầu tư dự án.

Đường vành đai 5 đi qua 8 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc), chiều dài 331km với mục tiêu hình thành vành đai giao thông liên kết các đô thị đối trọng của các địa phương liền kề Thủ đô Hà Nội. Tổng mức đầu tư tại thời điểm phê duyệt là 85.561 tỷ đồng.

Đường vành đai 5, phần do Bộ GTVT đầu tư là các đoạn đi trùng đường quốc lộ, đường cao tốc (127,9km), đã thực hiện đầu tư, đưa vào khai thác 25km các đoạn đi trùng đường cao tốc (Hà Nội-Thái Nguyên, Nội Bài-Lào Cai); còn lại 102,9km đi trùng đường quốc lộ đã được đầu tư có quy mô 2 làn xe (đường Hồ Chí Minh, cầu Vĩnh Thịnh, tuyến nối 2 cao tốc) nhưng chưa được đầu tư vào cấp theo quy mô quy hoạch 4 làn xe.

Để khép kín đường vành đai 4 và 5 Vùng Thủ đô cần số kinh phí khổng lồ

Để khép kín đường vành đai 4 và 5 Vùng Thủ đô cần số kinh phí khổng lồ

Đối với phần do các địa phương đầu tư đã và đang đầu tư 37km gồm các tỉnh Thái Bình 15km, Hải Dương 9km, Thái Nguyên 9,6km (đoạn qua Khu tổ hợp Yên Bình), Vĩnh Phúc 3,4km; còn lại 183,2 km chưa chuẩn bị đầu tư.

Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ GTVT với một số địa phương về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4, vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể giao Ban QLDA 2 và Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Tedi) phối hợp làm việc với TP Hà Nội rà soát lại quy hoạch đường vành đai 4 trên địa bàn quản lý.

Về quy mô, ông Thể giao đơn vị tư vấn nghiên cứu, tính toán lại quy mô đầu tư phù hợp từng khu vực có tính kết nối, đồng bộ mạng lưới giao thông với khu vực Hà Nội; nghiên cứu phương án xây dựng đường trên cao đáp ứng phát triển lâu dài.

Với đường vành đai 5, người đứng đầu ngành giao thông đề nghị UBND các tỉnh có tuyến đi qua, tổ chức rà soát quy hoạch nghiên cứu phương án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn khác.

Bộ GTVT sẽ có trách nhiệm, cùng đơn vị tư vân thiết kế phối hợp với các đơn vị chuyên ngành của địa phương giải quyết nếu có vướng mắc về quy hoạch.

Song qua rà soát, đánh giá, Bộ GTVT và một số địa phương thừa nhận, tiến độ đầu tư hoàn thành các đoạn tuyến vành đai 4, vành đai 5 qua địa bàn TP Hà Nội chưa đáp ứng được tiến độ bởi việc triển khai còn chậm do những nguyên nhân như quy mô quy hoạch các tuyến là khá lớn, trải dài đi qua nhiều địa bàn; các địa phương chủ yếu tập trung phát triển hạ tầng thiết yếu cho giao thông nội tỉnh/thành phố, chưa có điều kiện đầu tư giao thông kết nối vùng.

Mặt khác, tổng mức đầu tư lớn dẫn đến ngân sách địa phương không đủ khả năng cân đối thực hiện; việc kêu gọi đầu tư với kinh phí lớn là rất khó khăn; việc áp dụng hình thức đầu tư PPP vẫn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Các cơ chế chính sách trong đầu tư xây dựng thay đổi cũng là một trong những nguyên nhân làm ảnh hưởng tiến độ thực hiện.

Với đường vành đai 4 Vùng Thủ đô, Sở GTVT đề nghị Bộ GTVT đầu tư toàn tuyến theo quy hoạch được duyệt, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của cả khu vực vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điếm Bắc bộ và vùng đồng bằng sông Hồng.

Còn với đường vành đai 5 Vùng Thủ đô, đề nghị Bộ GTVT tổ chức thực hiện bằng nguồn ngân sách Trung ương, đề đảm bảo khớp nối đồng bộ giữa các địa phương trên toàn tuyến.

Lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên cũng đề nghị Bộ GTVT quan tâm, báo cáo Chính phủ xem xét bố trí nguồn kinh phí Trung ương đầu tư hoàn thiện các đoạn tuyến vành đai 5-Vùng Thủ đô Hà Nội qua địa phận tỉnh Thái Nguyên.