Đường sắt muốn "dẹp" đường ngang dân sinh tự phát với 2.500 tỷ đồng

ANTD.VN - Tổng Công ty Đường sắt cho biết, mục tiêu từ nay đến 2025, sẽ đóng hoàn toàn các lối đi tự mở, giao cắt với đường sắt, kinh phí dự kiến 2.500 tỉ đồng.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản trình Bộ GTVT kiến nghị bố trí vốn đầu tư các dự án theo Quyết định 994 của Thủ tướng Chính phủ về lập lại hành lang đảm bảo ATGT đường sắt.

Theo đó, từ năm 2012, Tổng công ty đã triển khai các dự án xây dựng hàng rào, đường gom để xóa bỏ lối đi tự mở.

Tuy nhiên, do thiếu vốn, một số dự án đang thi công dở dang phải dừng lại. Trong đó, còn 27,96km đường gom và 17,3km hàng rào cách ly thuộc các dự án công trình khẩn cấp giai đoạn 2; 321km thuộc dự án xây dựng hàng rào, đường gom (phần bổ sung) theo Quyết định 1856, giai đoạn 3.

Đường sắt quyết tâm dẹp đường ngang dân sinh tự mở, giảm tai nạn

Năm 2018, Cục Đường sắt Việt Nam cũng đã hoàn thành lập đề án đảm bảo trật tự hành lang ATGT và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt, báo cáo Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Theo đề án, Cục Đường sắt Việt Nam đã tiến hành rà soát, phân loại, sắp xếp, đưa cả danh mục của các dự án đã và đang triển khai thi công dở dang trước đây vì thiếu vốn; kiến nghị xây dựng 673km đường gom, hàng rào cách ly để đóng 2.983 lối đi tự mở qua đường sắt.

Trên cơ sở đề án, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị Bộ GTVT trình Chính phủ bố trí kinh phí theo Quyết định 994 để đầu tư dự án trên nhằm thực hiện mục tiêu từ nay đến 2025 đóng hoàn toàn các lối đi tự mở. Kinh phí dự kiến 2.500 tỉ đồng; nguồn vốn từ vốn ngân sách Nhà nước trung hạn 2020-2025.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, dự kiến thực hiện đầu tư cụ thể như sau: Từ năm 2021 - 2022 thực hiện 168km đường gom, hàng rào cách ly (thuộc nhóm ưu tiên 1, nhóm ưu tiên 2) với kinh phí dự kiến 672 tỉ đồng; Từ năm 2023-2025, hoàn thành 469km đường gom, hàng rào cách ly (thuộc nhóm ưu tiên 3, nhóm ưu tiên 4) với kinh phí dự kiến 1.876 tỉ đồng.

Theo thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hiện nay, trên mạng lưới đường sắt quốc gia đang tồn tại khoảng 5.000 lối đi dân sinh, trong đó chỉ có hơn 1.000 lối đi được mở hợp pháp, còn lại là các lối đi tự phát do người dân ở trong khu vực mở ra để phục vụ cho việc đi lại cho thuận tiện.