Đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã nghiên cứu trong 18 năm, 2027 là thích hợp để triển khai

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được nghiên cứu trong thời gian tới 18 năm, năm 2027 là thời điểm thích hợp để triển khai…
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Quốc hội

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại Quốc hội

Chiều 20-11, cuối phiên thảo luận tại Quốc hội về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng đã phát biểu giải trình, làm rõ một số ý kiến ĐBQH nêu ra.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định, dự án được nghiên cứu trong thời gian rất dài, tới 18 năm; hồ sơ được Chính phủ chỉ đạo rà soát, tính toán kỹ lưỡng, thận trọng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Dự báo vận tải, tiềm lực cho thấy năm 2027 là thời điểm thích hợp triển khai đầu tư.

Theo quy hoạch, đường sắt tốc độ cao có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội) và điểm cuối tại Thủ Thiêm (TP HCM). Tại phiên thảo luận, một số ĐBQH đề xuất kéo dài tới Cần Thơ để góp phần thúc đẩy sự phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long; cũng có ĐBQH đề xuất phạm vi dự án kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau…

Trao đổi lại các ý kiến nêu trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, đoạn tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn và TP HCM – Cần Thơ có 2 dự án riêng đang triển khai. Trong đó, dự án Hà Nội – Lạng Sơn đang dự kiến vay vốn để làm. Còn dự án TPHCM – Cần Thơ là đường sắt đủ tiêu chuẩn hỗn hợp chở cả người và hàng hóa; tốc độ thiết kế chở khách từ 160 – 200km/h, chở hàng hóa 120km/h.

Riêng 2 đoạn tuyến này nhu cầu hàng hóa rất cao nên phải kết hợp chở hàng hóa và con người. Dự án TP HCM – Cần Thơ đã nghiên cứu báo cáo tiền khả thi, hiện đang thu xếp nguồn vốn.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 20-11

Quang cảnh phiên thảo luận tại Quốc hội chiều 20-11

Về công năng vận tải, Bộ trưởng GTVT cho biết, hành lang đường sắt Bắc Nam sẽ tập trung ưu tiên vào vận tải hành khách, phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng và có thể vận tải hàng hóa sau năm 2050 nếu thấy có nhu cầu tăng cao.

Về hướng tuyến nhà ga, Bộ trưởng GTVT cho biết, hiện lựa chọn phương án ngắn nhất có thể, các ga bố trí tương đối phù hợp.

Về nguồn vốn cho dự án, Bộ trưởng GTVT cho biết, kinh nghiệm ở các nước cho thấy đầu tư theo phương thức PPP là không khả thi. Do đó, Chính phủ đề xuất đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công. Ông cũng cho biết, dự kiến vay tối đa 30% và hiện chưa quyết định vay trong nước hay ODA, điều này sẽ tính toán thêm để đạt hiệu quả cao nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh thêm, vì đây là dự án rất lớn nên để đảm bảo thực hiện tốt theo lộ trình, thậm chí rút ngắn tiến độ thì cần các chính sách đặc thù.

“Với dự án lớn như thế này thì thời gian chuẩn bị là vô cùng quan trọng, vì nếu không đủ thời gian là nguy hiểm, gây hệ lụy như mấy tuyến đường sắt vừa qua chúng ta bị chậm” – Bộ trưởng GTVT nói.