Đường ống nước sông Đà vỡ 9 lần liên tiếp: Vinaconex phải chịu trách nhiệm hoàn toàn

ANTĐ - Ông Lê Quang Hùng - Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) khẳng định, trách nhiệm của việc đường ống nước sông Đà vỡ 9 lần hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư là Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex).

- Đường ống dẫn nước sạch sông Đà đã vỡ đến lần thứ 9, trách nhiệm của Bộ Xây dựng trước vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Hội đồng quản trị Tổng Công ty Vinaconex đã ban hành các quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến ống truyền tải nước sông Đà về Hà Nội, phê duyệt thiết kế kỹ thuật vào cuối năm 2003 và đầu năm 2004. Theo quy định của pháp luật, việc tổ chức đầu tư xây dựng và quản lý chất lượng thuộc về chủ đầu tư - Tổng công ty Vinaconex và các nhà thầu có liên quan. Thời điểm đó, Vinaconex không còn là đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng bởi Vinaconex đã được cổ phần hóa và chuyển về cho Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) thuộc Bộ Tài chính quản lý phần vốn Nhà nước của doanh nghiệp này.

- Là đơn vị giám định chất lượng công trình của Bộ Xây dựng, Cục có tham gia đánh giá, nghiệm thu công trình này trước khi đưa vào sử dụng?

- Tại thời điểm đó, công tác quản lý chất lượng chịu sự điều chỉnh của Nghị định 209/NĐ-CP và theo quy định của Nghị định này thì toàn bộ các giai đoạn từ khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu do chủ đầu tư tổ chức quản lý chất lượng, không có quy định về việc cơ quan quản lý Nhà nước tham gia trực tiếp trong quá trình kiểm soát chất lượng thiết kế cũng như chất lượng thi công, nghiệm thu. Công trình này cũng không thuộc danh mục công trình được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng kiểm tra hay nghiệm thu. 

- Sau những sự cố vỡ đường ống liên tiếp xảy ra, Bộ Xây dựng đã vào cuộc như thế nào?

- Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng trên. Thứ nhất liên quan đến chất lượng đường ống không đồng đều, qua việc lấy mẫu thí nghiệm cũng như đánh giá bằng cảm quan cho thấy bám dính của các lớp cấu tạo ống chưa tốt, về lâu dài dễ gây bong rộp, tách lớp ống. Thứ hai là trong quá trình vận chuyển, thi công, lắp đặt đã gây ra một số tác động bất lợi tới đường ống, làm giảm khả năng bám dính giữa các lớp vật liệu cấu tạo ống, lâu dài ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của ống trong khai thác sử dụng. Các nguyên nhân này đều làm giảm khả năng kết dính giữa các lớp vật liệu cấu tạo ống và về lâu dài làm hỏng cục bộ đường ống. 

- Đường ống đã vỡ tới 9 lần, vậy trách nhiệm chính trong việc bảo đảm cung ứng nước sạch cho Hà Nội sắp tới sẽ ra sao?

- Nhà đầu tư và Công ty quản lý khai thác nước sông Đà có trách nhiệm thực hiện đúng theo hợp đồng đã ký với các công ty cấp nước sạch của Hà Nội. Tiếp đến là chính quyền địa phương trong việc đảm bảo việc cung cấp nước sạch cho người dân. Vinaconex cũng như nhà thầu thiết kế, thi công, nhà sản xuất đường ống, công ty vận hành tuyến ống phải chịu trách nhiệm về chất lượng đường ống, trách nhiệm về sự cố xảy ra, trách nhiệm về việc vận hành đường ống, trách nhiệm khắc phục sự cố và cấp nước theo đúng sơ đồ thiết kế. 

UBND TP Hà Nội cũng như Sở Xây dựng đã nhanh chóng vào cuộc, đưa ra các biện pháp hỗ trợ cấp nước cho các khu vực dân cư mất nước sinh hoạt do tuyến ống bị sự cố cũng như phối hợp giữa các công ty cấp nước sạch để ứng cứu kịp thời. UBND TP Hà Nội cũng đã có chỉ đạo, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật và tài chính để hỗ trợ cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện đầu tư xây dựng tuyến ống số 2. Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo đối với nhà đầu tư, Công ty khai thác nước sông Đà và các đơn vị liên quan tìm mọi biện pháp để bảo đảm cung ứng nước sạch cho người dân.