Đường nối hai cầu Thăng Long - Nhật Tân dài 2,8km: "Rùa bò" 8 năm chưa đến đích

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tuyến đường nối cầu Nhật Tân và cầu Thăng Long được đánh là giá quan trọng, giúp giảm áp lực giao thông các tuyến đường lân cận. Tuyến đường chỉ dài 2,8km nhưng dự án "bò" đã 8 năm mà chưa thể về đích.

8 năm chưa thể GPMB 50m đường vướng mắc

Tuyến đường nối từ cầu Thăng Long (Bắc Từ Liêm) đến cầu Nhật Tân (Tây Hồ) nằm trong quy hoạch Khu đô thị Ciputra, tuyến đường được khởi động từ năm 2014 với chiều dài xấp xỉ 2,8km, nối từ chân cầu Nhật Tân (phường Phú Thượng) đến chân cầu Thăng Long (phường Đông Ngạc).

Dự án do Công ty TNHH Phát triển KĐT Nam Thăng Long xây dựng, quận Tây Hồ chịu trách nhiệm GPMB, bàn giao quỹ đất. Dù vậy, tuyến đường được đánh giá là quan trọng, góp phần giảm tải cho đường An Dương Vương- Yên Phụ, đường Nguyễn Hoàng Tôn, giảm áp lực giao thông trong khu vực nhưng ì ạch thi công 8 năm vẫn chưa thông.

Cả tuyến đường nối cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân đã cơ bản thông xe chỉ còn chờ 50m

Cả tuyến đường nối cầu Thăng Long và cầu Nhật Tân đã cơ bản thông xe chỉ còn chờ 50m

Ghi nhận tại dự án cho thấy, cả tuyến đường dài gần 2,8km với mặt cắt đường rộng 40m đã cơ bản hoàn thiện ở hai đầu, chỉ còn lại một đoạn chừng 50m còn chưa giải phóng mặt bằng.

Nhìn cả con đường bị thắt cổ chai ở giữa, kéo dài qua nhiều năm mà không thể về đích, nhiều người dân sinh sống ở khu vực hai bên đường tỏ ra khá bức xúc, vì chỉ có một đoạn đường ngắn nhưng ì ạch đã 8 năm mà chưa thể xong, nhất là cả con đường rộng, to đẹp nhưng chỉ còn vướng 50m.

Nút thắt cổ chai 50m khiến cả tuyến đường bị treo 8 năm

Nút thắt cổ chai 50m khiến cả tuyến đường bị treo 8 năm

Bà Trần Thị Thủy, sinh sống tại khu tập thể hóa chất (thuộc diện phải GPMB) cho biết, chúng tôi rất đồng thuận với việc mở đường, phát triển kinh tế địa phương. Nhưng gần chục năm nay, chúng tôi vẫn thấp thỏm việc với đền bù, giải phóng mặt bằng chưa biết như thế nào, bao giờ thì chúng tôi phải di chuyển?

Diện tích GPMB còn lại rất ít nhưng phức tạp, khó xử lý

Diện tích GPMB còn lại rất ít nhưng phức tạp, khó xử lý

“Cả tuyến đường đã thông hai đầu, chỉ còn nút thắt cổ chai 50m đoạn qua khu tập thể này và một vài đơn vị khác nhưng nhiều năm qua vẫn chưa xong. Trong khi đó, khi xây dựng thì chủ đầu tư nói, tiến độ xây dựng trong vòng 6 tháng”- bà Thủy cho hay.

Xin cơ chế đặc thù để cuối năm thông đường

Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô về tuyến đường này, đại diện Trung tâm Phát triển Quỹ đất Tây Hồ cho biết, tuyến đường đến nay chỉ còn khoảng 50m vướng mặt bằng của 18 hộ dân tại khu tập thể hóa chất, trạm biến áp của Công ty Điện lực Tây Hồ và một phần đất của Công ty CP Lắp máy Inco.

“Hiện, trạm biến áp của Điện lực Tây Hồ đã có phương án di dời, một phần đất thuộc Công ty Lắp máy Inco cũng có hướng xử lý, khó khăn nhất là việc GPMB, tái định cư cho 18 hộ dân thuộc khu tập thể hóa chất”- lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất Tây Hồ cho hay.

Theo đó, vị này cho biết, 18 hộ dân này đã sinh sống ở đây từ năm 1987, nhưng công ty họ làm việc đã giải thể từ lâu. Trong khi đó, 18 hộ dân được phân căn hộ tập thể ở đây nhưng lại không có giấy tờ gì chứng minh việc này. Hơn nữa, nếu làm đúng theo quy định thì tiền bồi thường cho các hộ khi bị thu hồi được rất ít, chỉ vài chục triệu đồng, hộ nào cũng khó khăn.

“Để tháo gỡ khó khăn này, UBND quận Tây Hồ đã có báo cáo TP Hà Nội xin phương án đặc thù để giải quyết tái định cư cho 18 hộ dân này. Vừa qua, TP đã có văn bản chỉ đạo các Sở, ngành liên quan góp ý.

Khi TP đồng ý về mặt chủ trương, quận sẽ triển khai ngay việc tái định cư cho các hộ và thu hồi, GPMB diện tích đất còn lại giao cho chủ đầu tư để hoàn thiện, thông đường”- lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất Tây Hồ cho biết.

Theo đó, quận Tây Hồ đặt mục tiêu từ nay đến cuối năm 2021 sẽ GPMB xong phần ách tắc còn lại, bàn giao cho chủ đầu tư là Công ty Nam Thăng Long xây dựng, hoàn thiện. Sau khi chủ đầu tư thông đường, hoàn thiện các hạng mục phụ trợ còn lại sẽ bàn giao cho TP Hà Nội quản lý.

“Chủ tịch UBND quận Tây Hồ đã chỉ đạo “chốt” thời gian phải hoàn thiện GPMB dự án vào cuối năm nay, chúng tôi cũng đang rốt ráo thực hiện. Sau khi TP cho chủ trương chúng tôi sẽ họp 18 hộ dân ở khu tập thể hóa chất, thống nhất phương án tái định cư cho các hộ này. Năm 2020, quận cũng đã xin được TP cho các hộ dân TĐC tại chỗ, quỹ nhà đã có” - đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất Tây Hồ cho hay.