Đường lậu từ Thái Lan ồ ạt vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hàng trăm tấn đường nhập lậu, chủ yếu do Thái Lan sản xuất bị lực lượng chức năng bắt giữ khi đang vận chuyển vào sâu trong nội địa. Đây là mối đe dọa với các doanh nghiệp sản xuất trong nước.
Đường nhập lậu xuất xứ Thái Lan bị tạm giữ

Đường nhập lậu xuất xứ Thái Lan bị tạm giữ

Tổng cục QLTT cho biết, chỉ trong vòng 5 ngày (4-8/6/2024), lực lượng tỉnh QLTT tỉnh Quảng Trị đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời 3 vụ việc kinh doanh đường cát nhập lậu với tang vật vi phạm bị thu giữ là 16 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất.

Cụ thể, tối muộn 7-6-2024, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đón dừng phương tiện, Đội QLTT số 1 đã tiến hành khám phương tiện vận tải là xe ôtô mang biển kiểm soát số 37H-040.XX, rơ moóc 37R-030.XX đang trên đường vận chuyển 34 tấn đường cát trắng do Thái Lan sản xuất vào TP Hồ Chí Minh để tiêu thụ.

Thời điểm khám phương tiện, người điều khiển phương tiện đã xuất trình 3 hóa đơn xuất bán 34 tấn đường cát đang được vận chuyển trên phương tiện như đã nói ở trên.

Qua kiểm tra, đối chiếu hóa đơn xuất trình, Đội QLTT số 1 nhận thấy hàng hóa trên của cùng một đối tượng bán hàng đã có hành vi kinh doanh 5 tấn đường cát vàng nhập lậu trước đó đã bị Đội phát hiện, thu giữ trong vụ việc khám xe ô tô mang biển kiểm soát đầu kéo: 77E-005.XX, rơ moóc 77R-042.XX vào ngày 4-6-2024.

Đi sâu vào xem xét, đối chiếu hồ sơ, các loại hóa đơn chứng từ đã thu thập được giữa 2 vụ việc, Đội QLTT số 1 phát hiện trong số 3 hóa đơn mà người điều khiển phương tiện mới xuất trình, có 1 tờ hóa đơn đã được xác định là hóa đơn bán hàng được tính vào số lượng đường bán ra khi Đội QLTT số 1 tiến hành đối chiếu số lượng nhập-xuất-tồn trong năm tại các kho hàng của chủ sở hữu số đường của cả hai vụ việc.

Căn cứ trên hồ sơ khám phương tiện biển kiểm soát 77E-005.XX, rơ móoc 77R-042.XX và kết quả đối chiếu với các hồ sơ, hóa đơn mua-bán hàng, cân đối lượng nhập-xuất-tồn của các kho hàng trước đó, Đội QLTT số 1 đã bác bỏ tính hợp pháp của 1 trong số 3 hóa đơn bán hàng với số lượng 10 tấn đường cát trắng mà người điều khiển phương tiện đã xuất trình do hóa đơn này đã sử dụng trước đó và đi đến kết luận là trong tổng số 34 tấn đường cát trắng đang được vận chuyển trên xe ôtô mang biển kiểm soát số 37H-040.XX, rơ móoc 37R-030.XX có 10 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp theo quy định.

Vì vậy, Đội QLTT số 1 đã thiết lập hồ sơ vụ việc, đồng thời tạm giữ 10 tấn đường cát trắng nói trên để xử lý hành vi kinh doanh hàng nhập lậu.

Cũng trong đêm ngày 8-6-2024, Đội QLTT số 2 trực thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Trị cũng đã tiến hành khám phương tiện biển kiểm soát số 74C-135.XX và tạm giữ 1 tấn đường cát Thái Lan sản xuất nhập lậu.

Trước đó, trong 5 tháng đầu năm 2024, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Quảng Trị đã phát hiện, kiểm tra và xử lý 29 vụ việc kinh doanh đường cát nhập lậu với tổng số tang vật vi phạm hành chính là 67,4 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất nhập lậu có trị giá hơn 1,2 tỷ đồng; tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính nộp ngân sách nhà nước trên 2 tỷ đồng.

Không chỉ tại Quảng Trị, các tháng đầu năm nay, lực lượng liên ngành các tỉnh Quảng Nam, Ninh Thuận, Phú Yên, Vĩnh Phúc, Nghệ An… cũng thu giữ hàng chục nghìn tấn đường nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ. Tổng lượng hàng hóa bị tạm giữ lên tới hàng trăm nghìn tấn.

Con số này cho thấy nạn buôn lậu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới nói chung và mặt hàng đường cát nói riêng đang “nóng” trở lại sau 1 thời gian tạm thời im ắng. Thậm chí, vụ việc tại Quảng Trị cho thấy, đối tượng buôn lậu còn lặp lại hành vi nhiều lần trong một khoảng thời gian ngắn, cho thấy các đối tượng bất chấp các quy định của pháp luật, tìm mọi cách, mọi đủ thủ đoạn để thực hiện hành vi vi phạm.

Đường lậu không chỉ gây thất thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước mà còn tác động tiêu cực lên đời sống của bà con nông dân đang hàng ngày trồng cây mía làm nguyên liệu sản xuất đường, tạo lực cản kìm hãm tốc độ phát triển của nền sản xuất trong nước.

Theo tính toán của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, năm 2023, đường mía nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam đã khiến 3.300 người bị mất việc, 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất đường trong nước.

Không chỉ đường lậu, đường nhập khẩu từ Thái Lan cũng gây đảo lộn nền sản xuất mía đường trong nước. Tháng 8-2023, Bộ Công Thương đã quyết định áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp sản phẩm đường mía của một số công ty Thái Lan từ 18-8-2023 đến 15-6-2026.

Theo đó, Bộ quyết định áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với nhóm công ty Công ty Mitr Phol Sugar Corp., Ltd. và 4 công ty liên kết và Công ty Czarnikow Group Limited, nhóm Công ty Thai Roong Ruang Industry Co., Ltd và 5 công ty liên kết.

Mức thuế chống bán phá giá thấp nhất được đưa ra trong quyết định này là 25,73% và cao nhất là 32,75%, còn mức thuế chống trợ cấp cao nhất là 4,65%.

Bộ Công Thương cho biết, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung, áp dụng với mía đường nhập khẩu có xuất xứ từ Thái Lan, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.

Từ tháng 6-2021, Việt Nam chính thức áp thuế chống bán phá giá, trợ cấp lên đường mía nhập từ Thái Lan sau một thời gian áp thuế tạm thời. Mức thuế thời điểm đó là 47,64%. Tháng 8-2022, Bộ Công Thương quyết định vẫn giữ mức thuế này.

Kết luận của Cơ quan điều tra vụ việc đã xác định, có tồn tại hành vi bán phá giá, được trợ cấp của hàng hóa nhập khẩu bị điều tra (sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan), khiến ngành sản xuất ở trong nước đang chịu thiệt hại đáng kể; có mối quan hệ nhân quả giữa nhập khẩu hàng hóa bán phá giá và được trợ cấp với thiệt hại đáng kể của ngành sản xuất trong nước.