Đường Hồ Chí Minh, mình Bộ GTVT làm không xuể

ANTĐ - Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng Chính phủ cần khẩn trương giao cho các địa phương, huy động mọi nguồn lực kinh tế, phát triển hệ thống dịch vụ dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, qua đó phát huy hiệu quả khai thác. Để mình Bộ GTVT làm là không xuể.

Chiều nay (4-11), các đoàn ĐBQH đã tiến hành thảo luận ở tổ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh đóng góp ý kiến tại tổ Hà Nội, chiều 4-11

Tại tổ Hà Nội, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh tán thành đề xuất điều chỉnh của Chính phủ, khi qua quá trình triển khai xây dựng tuyến đường đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn chưa thực hiện được. Đại biểu đồng ý bổ sung vốn để hoàn thành nốt đường Hồ Chí Minh, đoạn Năm Căn- Đất Mũi (tỉnh Cà Mau).

“Chúng ta đã đặt ra vấn đề nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (tỉnh Cao Bằng) đến Đất Mũi. Hơn nữa ai đã từng đi đến vùng đất này có thể thấy cực Nam Tổ quốc rất đẹp, gắn với nhiều ý nghĩa lịch sử, nhưng vẫn còn nghèo khó, việc di chuyển khá vất vả do không có đường bộ, vì thế tôi đồng ý với ý kiến của Ủy ban KHCN&MT, trình Quốc hội về việc bổ sung vốn hoàn thành đoạn đường này vào năm 2016”- bà Khánh nói.

Một đề xuất khác của đại biểu Khánh, đó là Ủy ban KHCN&MT và Chính phủ cần khẩn trương giao cho các địa phương để quy hoạch, xã hội hóa thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư cây xăng, trạm dịch vụ trên dọc tuyến thì mới có thể phát huy được hiệu quả tuyến đường Hồ Chí Minh.

Bà nêu ví dụ: Đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua Quảng Bình rất đẹp, núi non hùng vĩ, nhưng chập tối đến thì không có một bóng người, nếu xảy ra chuyện gì về xe cộ là rất khó xử lý. Dù rằng ngay từ đầu, tuyến đường Hồ Chí Minh đã được xác định phải xây dựng xa khu dân cư, tránh việc đền bù giải phóng mặt bằng, nhưng hiện nay trở nên...xa quá. Các địa phương phải huy động nhiều thành phần kinh tế tham gia chứ một mình Bộ GTVT làm không xuể, không thể trông chờ vào ngân sách nhà nước được.

Phong cảnh đường Hồ Chí Minh rất đẹp, song đang thiếu hệ thống dịch vụ
để khai thác hiệu quả tuyến đường

Cuối cùng, đại biểu Khánh cho rằng các địa phương phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ hành lang tuyến đường Hồ Chí Minh, vì hiện nay nhiều đoạn (tiêu biểu là đoạn qua tỉnh Ninh Bình) bắt đầu xuất hiện tình trạng người dân sống bám đường, bán hàng quán, trông nhếch nhác và nguy hiểm giống quốc lộ 1.

ĐB Bùi Thị An tán thành ý kiến đóng góp của ĐB Trần Thị Quốc Khánh, cho rằng cần huy động vốn từ nhiều nguồn để tập trung để làm nốt đoạn cuối tuyến đường. Về chống thất thoát trong xây dựng tuyến đường Hồ Chí Minh, bà An cho rằng đó là nguyện vọng tha thiết của các ĐBQH cũng như cử tri cả nước: “Đầu tư cho giao thông là cần thiết, tuy nhiên nguồn vốn lớn thì thất thoát cũng lớn, nếu ta không quản lý tốt”.

Cũng trong chiều 4-11, các ĐBQH đã thảo luận về dự án Luật hải quan (sửa đổi).

ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề cập đến chủ thể “người khai báo hải quan”, và cho rằng do chủ hàng là người thực hiện nghĩa vụ thuế, nên đề nghị người khai phải là chủ hàng hoặc là người được ủy quyền, chứ không phải là chủ phương tiện vận tải. Việc khai hải quan hiện này cũng đang hướng tới khai điện tử, thay vì khai giấy nhằm tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp, nên theo bà Hường cần quy định rõ trường hợp nào thì khai điện tử, trường hợp nào khai giấy.

Đồng quan điểm này, ĐB Châu Thị Thu Nga cho rằng cần tiếp tục cải cách về thủ tục hải quan, hiện đại hóa, áp dụng đầy đủ các kỹ thuật quản lý để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu; dự luật cần sửa đổi bổ sung các quy định về khai hải quan theo hướng số hóa, vì hiện nay hải quan đang thực hiện theo phương án điện tử, đối với các trường hợp khai hải quan trên tờ khai giấy cần có hướng dẫn cụ thể. Bổ sung các quy định về thu gom hàng lẻ để minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp kinh doanh.