"Đường đến nghĩa địa" và câu chuyện của người Nhật

ANTĐ - Trong phiên chất vấn của Quốc hội, câu nói: “Con đường từ dạ dày tới nghĩa địa chưa bao giờ trở nên ngắn và dễ dàng đến thế” của Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã làm nhiều người phải suy nghĩ và nhận được sự đồng tình của cử tri. 

"Đường đến nghĩa địa" và câu chuyện của người Nhật ảnh 1Minh họa: Internet

Chưa bao giờ người ta lại lo lắng về bữa cơm nhà mình như thế, câu chuyện an toàn thực phẩm chưa bao giờ hết “nóng” và hình như cũng không có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí ngày càng tệ hại hơn, thảm hại hơn! Làm thế nào để “đường đến nghĩa địa” không dễ dàng như vậy vẫn đang là một câu hỏi?

Trên báo chí, các con số về  tồn dư hóa chất độc hại, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, tồn dư kim loại nặng, kháng sinh, tồn dư chất cấm trong thực phẩm vượt quá ngưỡng cho phép liên tục được công bố; các vụ bắt bớ lòng thối, thịt ôi, mỡ bẩn, vàng ô… liên tục được báo chí thông tin khiến người dân hết sức hoang mang. Thật giả lẫn lộn không biết đâu mà lần. Đi chợ mà cứ ngẩn ngơ không biết ăn thứ gì cho sạch! Thật là bất an quá! Cái thứ hàng hóa thiết yếu của mỗi người dân, nó hiển hiện hàng ngày trong mỗi bữa cơm gia đình, nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, đến tính mạng, sức khỏe của mỗi người dân vậy mà bẩn, độc, hại vẫn cứ tràn lan như vậy là cớ làm sao?

Có sự chồng chéo trong quản lý chăng? Có sự buông lỏng quản lý chăng để hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng; đủ các loại hóa chất, chất cấm; đủ thứ thực phẩm bẩn, hoa quả ngâm tẩm hóa chất vẫn ùn ùn, vẫn lũ lượt vượt qua biên giới của “anh bạn láng giềng” tuồn vào Việt Nam? Chắc  là có. Điều này đã được khẳng định trong nhiều kỳ cuộc, họp hành, hội thảo, bàn luận, tranh luận. Và ngay tại phiên chất vấn kỳ họp này, người đứng đầu ngành Nông nghiệp khi trả lời đại biểu Trần Ngọc Vinh cũng đã  thừa nhận các giải pháp chỉ thực hiện ở mức độ kiềm chế tình hình chứ chưa cải thiện đáng kể. Thậm chí gần đây một số việc còn xấu đi như việc sử dụng kháng sinh, chất cấm chăn nuôi đang bùng phát.

Song còn một nguyên nhân hết sức quan trọng nữa dẫn đến thực phẩm bẩn tràn lan đó là ý thức của người dân - những người chăn nuôi trồng trọt đang cố tình nhắm mắt vì lợi nhuận mà “gián tiếp đầu độc” đồng loại của mình, đồng bào mình, mà rất có thể trong đó có cả những người thân của họ. Cũng có lẽ vì điều này mà trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phải kêu gọi những người dân, những người nuôi trồng nghĩ đến đạo đức, nghĩ đến cái tâm, vì công tác đảm bảo VSATTP không chỉ liên quan đến việc thực hiện pháp luật mà còn liên quan đến đạo đức của con người.

Có một bộ phim tài liệu của người Nhật đã ghi lại quá trình nghiên cứu của một nhóm nhà khoa học để tìm ra phương pháp làm mềm nhừ thức ăn dành cho người già, người bệnh chán ăn, hoặc người không có khả năng nhai... Thức ăn đó phải làm sao vẫn giữ nguyên màu sắc của thực phẩm, giữ nguyên hương vị, nhưng khi ăn lại có thể tự tan trong miệng. Nhóm nhà khoa học đã mất rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, tâm huyết, cuối cùng họ đã tìm ra phương pháp làm nhừ được thức ăn. Nhưng khi họ thử nghiệm mang thức ăn đó đến cho những người già ở một trung tâm dưỡng lão ăn thử thì kết quả là những người đó không thể nuốt nổi vì mùi vị của thức ăn quá chán.

Vị Giáo sư chủ nhiệm công trình nghiên cứu đã khóc. Sau đó, họ không dừng lại, nhóm nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và đã tìm ra một loại chất làm mềm thức ăn tương tự như loại chất giúp con người có thể tiêu hóa thức ăn trong dạ dày. Các nhà khoa học đã thành công. Thức ăn mềm, còn nguyên màu sắc, hương vị của thực phẩm tươi. Lần này, những người già ở trung tâm dưỡng lão khi ăn thử thức ăn đó, họ đã mỉm cười vì ngon miệng. Còn vị Giáo sư kia lại rơi nước mắt. Nhưng đó giọt là nước mắt của thành công, giọt nước mắt vì con người.

Đưa ra câu chuyện kia để thấy tại sao người Nhật lại vì con người như thế, còn ta thì không? Những nhà quản lý và cả những người nuôi trồng hãy nên tự hỏi mình câu hỏi đó!