Huyện Đan Phượng, Hà Nội:

Đường đê “gồng mình” gánh vi phạm

ANTĐ - “Hung thần” xe ben với trọng tải trên chục tấn ngày ngày nối đuôi nhau cày phá cả tuyến đường đê, khai thác vật liệu trái phép, tập kết vật liệu xây dựng làm cản trở giao thông, hành lang thoát lũ đang là những nhức nhối tại tuyến đường đê xung yếu thuộc địa bàn huyện Đan Phượng.

Bị xe trọng tải lớn cày xới khiến đường  đê xuống cấp nghiêm trọng

Đường đê bị “băm nát” vì xe tải

Sáng 22-12, chúng tôi về tuyến đê Vân Cốc đoạn thuộc địa phận các xã Thọ Xuân, Thọ An, Trung Châu, huyện Đan Phượng, với chiều dài 5km được người dân nơi đây ví von là “con đường đau khổ của huyện”. Mặt đường bị cày xới, từng miếng bê tông dùng để lót đường đê bị nghiến nát. Trên con đường liên xã của bờ đê Vân Cốc, từng mảng bê tông lớn, được đổ dày đến 30cm đã bị nghiền vỡ vụn nham nhở. Những vết nứt vỡ chằng chịt như mạng nhện.

Tại một số điểm trên đê thuộc địa phận giáp ranh giữa xã Trung Châu và Thọ Xuân, mặt đê còn bị lún, tạo thành những hố sâu. Những mảng bê tông trồi sụt, chồng ngổn ngang lên nhau. Men theo dọc tuyến đê, chúng tôi không khỏi kinh hãi khi phía trước hàng chục lượt xe ben, xe tải chở vật liệu xây dựng không che chắn nối đuôi lưu thông, cơn bão bụi bao trùm lên cả đoạn đường.

Đã từ lâu, người dân đã đi đường vòng để tránh qua đường đê vì mặt đường đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Tuyến đường đê chạy qua địa bàn 3 xã Thọ An, Thọ Xuân, Trung Châu với tổng chiều dài gần 5km, cả tuyến bị băm nát, đặc biệt nhiều đoạn đường bị lún thành rãnh sâu tới 20 - 30cm in hằn vết lốp của nhiều loại xe hạng nặng. Những mảng bê tông nứt vỡ lún sâu đã trở thành những “ổ trâu”, “ổ voi” đe dọa  phương tiện giao thông khi lưu thông qua đây. Đến địa bàn xã Thọ Xuân, sẽ được chứng kiến hai “núi” đất đỏ được đổ ngay cạnh đường, do đường bê tông xuất hiện nhiều “ổ trâu, ổ voi” nên chủ các bãi khai thác cát ven sông đã đổ đất làm nền để các xe ben lưu thông qua lại.

Đại diện UBND xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, ông Thiều Đức Đậu, Phó Chủ tịch xã cho biết: Đê Vân Cốc chạy qua địa bàn xã khoảng 2km là hệ thống đê ngăn lũ sông Hồng với 3 điểm khai thác cát trong đó chỉ có 1 điểm là được cấp phép. Thời gian qua, tình trạng vi phạm Luật Đê điều của xe ben, xe tải chở nguyên vật liệu (chủ yếu là cát xây dựng, đá sỏi) diễn ra khá phổ biến. Vào thời điểm ban đêm, số xe ben, xe tải siêu trọng càng hoạt động với tần suất cao, mật độ dày đặc. Nhiều xe chở quá trọng tải, che chắn không đúng quy định đã gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự ATGT trên trục giao thông liên xã, đặc biệt làm mặt đường đê xuất hiện nhiều “ổ voi”, “ổ trâu” gây ảnh hưởng đến trật tự ATGT trên địa bàn.

Liên hoàn vi phạm trên đường đê

Lưu thông theo hướng xã Trung Châu về trung tâm Hà Nội trên tuyến đê thuộc địa bàn huyện Đan Phượng, qua các xã Hồng Hà, Liên Trung, Liên Hà, Liên Hồng nhiều vi phạm cũng diễn ra phổ biến. Trong đó tại thôn Hạ, xã Liên Trung với chiều dài chưa đầy 1km có đến hàng trăm vị trí tập kết chứa tre, gỗ và vật liệu xây dựng... hai bên chân đê và cả ở trên mặt đê. Một số nơi mọc lên nhà xưởng chế biến gỗ trong hành lang bảo vệ đê.

Anh Nguyễn Viết Dậu, xã Liên Trung cho biết, người dân ở đây đang ngày càng khá giả nhờ việc chế biến lâm sản, nhưng cũng phải trả giá rất nhiều bởi quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Nhưng đáng lo hơn cả là tình trạng một số người dân tùy tiện lập các điểm tập kết vật liệu xây dựng và lâm sản xâm hại công trình đê điều, gây cản trở các phương tiện cơ giới trong quá trình lưu thông. Tại xã Liên Trung khoảng vài trăm mét có chi chít quầy, các hộ kinh doanh mặt hàng nông sản... Thậm chí có những điểm, người dân đã chủ động dựng chợ “cóc”, bán hàng. Trên suốt dọc tuyến đê đi qua địa phận các xã Liên Hà, Liên Hồng và Hồng Hà nhiều hộ dân đã tập kết vật liệu xây dựng; phơi tập kết gỗ ngay trên mặt đê. Tại xã Liên Hà, Liên Hồng không ít gia đình xây dựng nhà cửa, công trình chiếm hết cả hành lang đê.

Được biết đầu tháng 7 vừa qua, UBND huyện đã thực hiện xử lý giải tỏa các vi phạm về đê điều, hành lang thoát lũ và khai thác vật liệu xây dựng trái phép trên địa bàn. Trên cơ sở đó, lực lượng chức năng của huyện giải quyết kiểm tra xử lý đối với các hành vi vi phạm về đê điều, xử lý các hành vi xâm hại đến thân đê, xây dựng công trình, nhà ở, đổ chất thải, tập kết vật liệu không đúng nơi quy định. Thời gian lực lượng ra quân xử lý quét vét vi phạm đã qua từ ngày 15-7, đến nay tình trạng vi phạm về đê điều ở huyện Đan Phượng như “nấm mọc sau mưa”, vi phạm vẫn khá phổ biến. Theo đại diện UBND một xã xảy ra tình trạng vi phạm trên, xã đã có kiến nghị với lực lượng công an và Phòng Quản lý đô thị của huyện cần tăng cường việc kiểm tra xử lý thường xuyên cùng chế tài xử lý ngăn chặn quyết liệt kịp thời, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa” như những đợt xử lý trước đó.