Đường dây rửa tiền đứng sau hacker "rút" hơn 100 triệu USD

ANTĐ - Ngày 15-3, ông Atiur Rahman Rahman, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Bangladesh đã chính thức đệ đơn từ chức sau một vụ trộm bí ẩn 101 triệu USD liên quan tới ít nhất 4 quốc gia.  Vụ việc đã làm dấy lên câu hỏi về tính an toàn của hệ thống ngân hàng quốc tế trước nạn tấn công mạng ngày càng tinh vi.

Đường dây rửa tiền đứng sau hacker "rút" hơn 100 triệu USD ảnh 1

Bí ẩn vụ trộm 101 triệu USD

Theo CNN, khoảng đầu tháng 2, các tin tặc đã thực hiện thành công 5 vụ chuyển tiền ra khỏi tài khoản của Ngân hàng Bangladesh tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).  Điều tra gần đây từ phía Mỹ cho hay các hacker đã đột nhập hệ thống máy tính của ngân hàng trung ương Bangladesh, ăn cắp thông tin về hệ thống bảo mật, phá vỡ hàng rào an ninh, tạo lệnh giả để Cục dự trữ Liên bang Mỹ tại New York chuyển 81 triệu USD từ tài khoản của ngân hàng Bangladesh tới tài khoản của 4 người đàn ông ở Philippines.

Tiếp đó, chúng yêu cầu chuyển thêm 20 triệu USD tới một ngân hàng ở Sri Lanka. Tuy nhiên, lệnh này không được thực hiện vì lỗi viết sai chính tả. Ngân hàng Deutsche Bank, nơi thực hiện vụ chuyển tiền, đã hỏi lại Ngân hàng Trung ương Bangladesh về lỗi chính tả này. May mắn, Ngân hàng Trung ương Bangladesh đã kịp thời phát hiện ngân hàng đang bị hacker tấn công. Ngoài ra, hacker còn gửi hàng tá lệnh chuyển tiền giả tới FED.

Bộ trưởng Tài chính Bangladesh Abul Maal Abdul Muhith mới đây cáo buộc FED có “những hoạt động bất thường” dẫn đến việc chuyển nhượng trái phép 100 triệu USD từ tài khoản của nước này. Trong một động thái đáp trả, FED đã có một bài đăng lên mạng xã hội Twitter với nội dung chưa có đủ bằng chứng để kết tội FED có liên quan đến vụ việc. 

Khi cơ quan chức năng vẫn chưa xác định ra được lỗi mất tiền này là do cá nhân/tổ chức/nhóm nào gây ra, thì số tiền chính xác mà Bangladesh bị lấy cắp lại không thống nhất. Trong khi Bộ trưởng Tài chính Muhith cho hay FED phải chịu trách nhiệm về khoản tiền 100 triệu USD, thì một quan chức Ngân hàng Trung ương Bangladesh khác cho biết đã có 20 triệu USD trong tổng số tiền 101 triệu USD đã được thu hồi từ một tài khoản đặt ở Sri Lanka, tức còn khoảng 81 triệu USD “mất tích”. 

Khi vụ việc vỡ lở, ông Rahman, giữ chức vụ thống đốc Ngân hàng Trung ương 7 năm qua, giãi bày rằng ông không kịp thông báo cho cấp trên vì lo giải quyết vụ việc mà ông “không hiểu đã xảy ra như thế nào”. Vụ việc đã khiến người dân phẫn nộ vì đất nước còn nghèo mà các quan chức lại quá vô trách nhiệm.

Thậm chí người dân đang lo cho nguồn dự trữ ngoại hối 27 tỷ USD của đất nước cũng có thể sẽ bị đánh cắp. Bangladesh có dân số vào khoảng 170 triệu người và gần đây có dự trữ ngoại hối tăng đáng kể nhờ bùng nổ xuất khẩu nhiên liệu và lượng kiều hối lớn. Một phần trong khoản dự trữ của Bangladesh gửi trong tài khoản tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ ở thành phố New York.

Luật chống rửa tiền lỏng lẻo 

Theo Hãng tin Reuters, các ngân hàng và các tổ chức tài chính khác trên thế giới đang muốn tìm hiểu ngân hàng trung ương Bangladesh bị xâm phạm như thế nào nhằm ngăn chặn các vụ tấn công tương tự.

Sự cố này được xem là thông điệp để các ngân hàng trung ương trên thế giới nâng cao mức bảo mật để ngăn chặn các vụ tấn công tương tự. Trong một động thái có liên quan, tại Philippines, giới chức quản lý hoạt động đánh bạc cho biết họ đang điều tra báo cáo về việc có đến 100 triệu USD trong các quỹ đáng ngờ được chuyển vào tài khoản ngân hàng của 3 sòng bạc không xác định.

Tờ The Philippine Daily Inquirer cho hay tiền có thể đã vào Philippines thông qua Jupiter Street, Makati City, chi nhánh của Rizal Commercial Banking. Và rất có thể số tiền được đổi thành peso và gửi vào tài khoản của một doanh nhân người Trung Quốc chưa rõ danh tính, điều hành doanh nghiệp đánh bạc đang ăn nên làm ra ở Philippines. Khoản tiền trên được sử dụng để mua chip casino hoặc bù lỗ tại các điểm kinh doanh như Solaire Resort & Casino và City of Dreams Manila.

Cuộc điều tra trên cho thấy điểm yếu của Philippines trong việc dập tắt nạn rửa tiền. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Philippines Teresita Herbosa cho biết nước này có thể tái gia nhập “danh sách đen” các nước không hành động triệt để nhằm chống lại nạn rửa tiền.

“Đây là vết đen trên toàn bộ ngành tài chính của Philippines”, Thượng nghị sĩ Serge Osmena, Chủ tịch Ủy ban Thượng viện về các ngân hàng và tổ chức tài chính nói. Giới lập pháp quốc gia Đông Nam Á sẽ điều tra vụ án trong thời gian tới, song vẫn chưa thể sửa đổi luật pháp trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Benigno Aquino kết thúc.