Đường dây nóng: Cần cái đầu tỉnh táo

ANTĐ - Chúng tôi - những phóng viên trực Đường dây nóng - Báo An ninh Thủ đô vẫn nói vui với nhau rằng, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mỗi cá nhân không chỉ cần rèn luyện cho mình tính kiên trì mà còn phải nhanh trí, có tinh thần “thép” và khả năng ứng biến, kiềm chế tốt. Bởi trong hàng nghìn cuộc gọi đến Đường dây nóng mỗi năm, có không ít cuộc gọi chỉ nhằm mục đích trêu tức, quấy rối… 

Vui hội báo Xuân

Quấy rối tình dục... qua điện thoại

Có lẽ điều khiến các phóng viên nữ ngại nhất là những cuộc gọi mang tính… quấy rối. Đó là cuộc gọi diễn ra vào 11h đêm một ngày đầu tháng 3. Khi tôi chuẩn bị đi ngủ, điện thoại Đường dây nóng đột ngột đổ chuông. Tôi “alo” thì có một giọng nam cất lên: “Chào em yêu, em ngủ chưa”. Tôi nói ngay: “Đây là Đường dây nóng Báo ANTĐ. Chắc anh nhầm máy”… thì anh ta tiếp tục thao thao bất tuyệt: “Em sao thế, không nhận ra anh à? Anh đang rất buồn. Em “đi” cùng anh không”… Tiếp theo đó là hàng loạt những lời gạ gẫm, khiếm nhã. Tôi xin lỗi và dập máy nhưng anh ta gọi lại liên tục. Không dừng lại ở đó, số điện thoại này còn “tra tấn” tôi vài ngày sau. 

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị bạn đồng nghiệp cùng phòng của tôi kể vào một buổi trưa, một người đàn ông đã gọi đến đề nghị chị… “đi khách”. Mặc dù chị đã mềm mỏng đề nghị tên kia quay trở lại nội dung chính, nhưng anh ta vẫn tiếp tục huyên thuyên về giá cả, địa điểm và cả những “món quà có một không hai” nếu chị đồng ý. Khi chị đề nghị dập máy, ngay lập tức, người đàn ông này tỏ thái độ tức giận, xổ ra một tràng ngôn từ tục tĩu, thiếu văn hóa. Chị chia sẻ, đối với phóng viên trực Đường dây nóng, ngoài việc sở hữu một giọng nói nhẹ nhàng, thuyết phục, thì điều cần thiết là phải có khả năng tư duy và xử lý tình huống nhanh nhạy. Bởi mỗi ngày có hàng chục cuộc gọi đến, mỗi người gọi có mục đích và tính cách khác nhau, không phải ai cũng có thái độ lịch sự, nhã nhặn. Bên cạnh đó, khi tiếp nhận cuộc gọi của bạn đọc, phóng viên luôn phải giữ phong thái lịch sự, dù có tức giận đến mấy. 

 “Xin lỗi, có phải anh Hổ không”?!

Một buổi sáng khi đến tòa soạn, tôi bắt gặp nét mặt vô cùng căng thẳng của anh bạn đồng nghiệp cùng phòng. Anh kể, 3 ngày qua, anh liên tục nhận được cuộc gọi của một người đàn ông xưng là bạn cũ của anh. Mỗi khi nhấc máy, anh đều nhận được một câu hỏi duy nhất: “Xin lỗi, anh có phải là anh Hổ không?”. Mặc dù anh đã lịch sự trả lời: “Anh nhầm máy rồi, tôi không phải là Hổ”, người đàn ông kia vẫn không chịu buông tha. Cứ cách khoảng vài tiếng anh ta tại gọi lại với câu hỏi cũ. Cực chẳng đã, sau nhiều lần cầm máy, anh bạn đồng nghiệp của tôi buộc phải nghiêm giọng: “Tôi không phải là Hổ, tôi là Báo - Báo An ninh Thủ đô. Nếu anh cứ tiếp tục gọi, tôi sẽ kiện anh tội quấy rối”. Ngay lập tức đầu dây bên kia có tiếng cười ha hả, giọng trêu ngươi: “Cáu rồi, biết ngay là sẽ cáu mà”!

Trong một lần tác nghiệp, chúng tôi nhận được điện thoại của người dân báo tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương vừa xảy ra vụ việc một bé sơ sinh tử vong do sự chậm trễ trong quá trình đỡ đẻ của các bác sỹ. Người phụ nữ xưng là mẹ sản phụ - người chứng kiến sự việc từ đầu đến cuối trình bày lại diễn biến quá trình sinh nở với phóng viên. Tuy vậy, sau khi mẹ sản phụ bắt đầu cất tiếng nói, phải cố gắng lắm tôi mới tiếp tục giữ được sự nghiêm trang, đau buồn bởi giọng kể văn vẻ như tiểu thuyết của bà. 

“Chiều hôm trước, khi tôi đưa con tôi vào viện, cháu dung nhan tươi tỉnh, tinh thần sảng khoái, thể chất khỏe mạnh. Tôi rưng rưng xúc động vì chả mấy chốc nữa sẽ được ôm đứa cháu bé bỏng vào lòng, được lên chức bà ngoại khi vừa bước vào tuổi 50. Đến tối, con tôi bắt đầu đau, những cơn đau dồn dập như những cơn sóng dữ khiến lòng tôi quặn thắt. Hớt hải, tôi tìm đến các bác sỹ, y tá thì họ chỉ lắc đầu và nói 3 từ lạnh lùng “chờ đẻ thường”. Tôi quay trở về phòng chờ mà lòng nặng trĩu, thấp thỏm lo âu. Thỉnh thoảng tiếng thét xé màn đêm của con gái lại vang lên làm tôi có cảm giác như ngàn mũi kim châm vào tim. Nghịch lý là tôi vẫn phải tiếp tục chờ đợi và chờ đợi. Thời gian dài như vô tận”… Do quá sốt ruột, phóng viên trực Đường dây nóng phải cắt ngang lời kể của mẹ sản phụ, song dường như chỉ được vài phút, bà mẹ này lại tiếp tục “thao thao bất tuyệt”. Kết quả là để biết được thông tin cần tìm hiểu, chúng tôi phải nghe câu chuyện dài dòng một cách không cần thiết đến 30 phút. 

Phóng viên bị “thập diện mai phục”

Cũng từ Đường dây nóng, chúng tôi nhận được thông tin  tại địa bàn phường A có một công trình xây dựng bị bỏ hoang gây lãng phí tiền của Nhà nước, trong khi đó người dân tại khu vực không có nơi sinh hoạt cộng đồng. Sau khi gọi điện đặt lịch làm việc, chúng tôi đã được một cán bộ của phường A đồng ý tiếp, thậm chí còn dẫn ra hiện trường để “mục sở thị”. Tuy vậy, sau khi chúng tôi hoàn thành công việc, vị cán bộ này tha thiết mời chúng tôi ăn chiều để… trao đổi tiếp. Hết lời từ chối với lý do bận việc nhưng không được đồng ý, chúng tôi đành theo vị cán bộ này về trụ sở UBND phường. Trên đường đi, chúng tôi tìm cách… đánh bài “chuồn”. Tuy vậy, do không thông thuộc địa bàn nên tôi và chị bạn đồng nghiệp luôn đi nhầm vào ngõ cụt và mỗi khi quay đầu ra, chúng tôi đều nhìn thấy vị cán bộ phường này đứng ngay đầu ngõ… vẫy tay. Cuối cùng, may mắn đã mỉm cười với chúng tôi khi được một người dân trong khu vực chỉ đường. Trong quá trình “thoát thân”, chị bạn đồng nghiệp của tôi không ngừng nhìn lại phía sau, còn chuông điện thoại của tôi thì đổ liên hồi.