Đường dài lắm gian nan

ANTĐ - Giới chuyên gia kinh tế tỏ ra thận trọng nhận định, các chỉ số GDP, CPI trong 9 tháng qua cho thấy đã xuất hiện một số điểm sáng đáng mừng như chỉ số lạm phát, tỷ giá cán cân thanh toán, thương mại có sự cải thiện đáng kể chứng tỏ những nỗ lực của Chính phủ đã mang lại hiệu quả. Điều đáng quan tâm là, ngay cả khi cung ứng tiền chưa nhiều mà CPI tháng 9 đã tăng tới 2,2%, cao nhất trong 16 tháng qua cho thấy, nền kinh tế rất “nhạy cảm”, tâm lý lạm phát còn nhiều.

Ở cả hai “đầu tàu” kinh tế, Hà Nội và TP.HCM đều khẩn trương “chạy nước rút” để về đích hoàn thành kế hoạch năm 2012. Ở “đầu tàu” phía Bắc, Hà Nội xác định phải thực hiện được cả 3 mục tiêu: duy trì tăng trưởng giữ CPI dưới một con số và đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, phải thúc đẩy tăng tổng cầu từ các dự án đầu tư có hiệu quả. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cả đầu vào lẫn đầu ra. Mặc dù hai “đầu tàu” hối hả tăng tốc nhưng dường như các “toa tàu”, các địa phương, vẫn tỏ ra chầm chậm vượt qua đoạn đường gập ghềnh, khó khăn. Sở dĩ “đoàn tàu” kinh tế chưa thể “bốc” lên được, theo một số chuyên gia, là vì chưa đủ động lực cũng như năng lượng.

Thực tế, theo Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, các đánh giá tình hình vẫn nặng tính khái quát kiểu như “nền kinh tế đang gặp một số khó khăn, thách thức”, chưa thấy hết và định vị mức độ gay gắt của những nguy cơ mang tính cơ cấu và hệ thống đang đe dọa nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2012 chỉ tăng 4,8%, gọi là tăng nhưng thực tế gần như giậm chân tại chỗ. Nền kinh tế chỉ thực sống động khi không khí sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nhộn nhịp trở lại. Trong bối cảnh này, nhiều ý kiến cho rằng chưa nên tăng giá các mặt hàng cơ bản do lo ngại lạm phát cao “ngóc đầu” dậy. CPI tháng 9 vừa qua cho thấy, việc nới lỏng tiền tệ, cung ứng vốn đầu tư cần hết sức thận trọng.

Ông Viện trưởng ví von, như cơ thể một người vừa qua trận ốm nặng, cho ăn nhiều, bồi bổ lắm chưa phải đã là tốt, thậm chí có thể phản tác dụng. Thời điểm này không nên đặt kỳ vọng vào tăng trưởng, mà nên tập trung vào tái cơ cấu. Có nghĩa là phải “chữa trị”, phục hồi toàn diện “cơ thể” kinh tế. Một số chuyên gia kinh tế vĩ mô cũng đồng tình cho rằng, chính trong tình hình kinh tế suy giảm như hiện nay lại là cơ hội thuận tiện để tranh thủ tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và hệ thống doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế nhà nước. Cơ cấu lại cả một hệ thống là một kế hoạch dài hạn chứ không thể nói là công việc làm trong một vài tháng, hoặc một vài vụ việc. Việc xử lý những hành vi kinh doanh trái pháp luật, cố ý làm trái pháp luật, thâu tóm ngân hàng của một số nguyên lãnh đạo Ngân hàng ACB; Việc chấm dứt thí điểm không thành công hai tập đoàn xây dựng lớn gần đây, rõ ràng là Chính phủ đã tỏ rõ quyết tâm cao, tạo sức ép thực sự lên các ngân hàng thương mại cổ phần cũng như các tập đoàn, tổng công ty nhà nước buộc phải “soi lại mình”, buộc phải tái cơ cấu bằng mọi giá.

“Chạy nước rút” về đích cuối năm, vượt qua chặng cuối cùng đầy khó khăn là công việc trước mắt. Về lâu dài, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng mới thực sự là con đường dài lắm gian nan, trở ngại.