Dương Chí Dũng đang khai trước tòa về việc mua ụ nổi 83M

ANTĐ - 11h 25 phút trưa nay, sau khi đại diện Viện kiểm sát công bố toàn văn 43 trang của bản cáo trạng số 16/VKSTC – V1B ngày 1-11-2013 của VKSND Tối cao truy tố 10 bị cáo trong vụ án này, HĐXX đã chuyển sang phần xét hỏi.

(* Tiếp tục cập nhật)

Bị cáo nhận thức mình đã làm sai

Ông Dương Chí Dũng được HĐXX xét hỏi đầu tiên. Mặc dù cuộc xét hỏi diễn ra trong thời gian ngắn nhưng cho thấy khá nhiều tình tiết trong vụ án dần được làm rõ.

Trước vành móng ngựa, ông Dũng khá bình tĩnh trả lời các câu hỏi của HĐXX. Trả lời câu hỏi của HĐXX ông Dũng cho biết, từ tháng 1-2007, bị cáo giữ được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch HĐQT của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Được sự thống nhất của HĐQT Vinalines, Dự án (DA) xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển ở phía Nam đã được xây dựng với 80% số vốn là của Vinalines. Vốn này được vay và sẽ được trả bằng cách huy động vốn từ bên ngoài thông qua việc bán cổ phần.

Dương Chí Dũng và các đồng phạm trước vành móng ngựa

Lý giải về việc lập DA xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu này, ông Dũng ban đầu trả lời không cần xin phép ai mà Vinalines tự được phép làm. Tuy nhiên, theo nguyên tắc, Vinalines phải báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải và phải được sự đồng ý của Thủ tướng, nhưng đó chỉ là xin phép về mặt chủ trương.

Nếu HĐQT của Vinalines đồng ý thực hiện DA này bằng vốn huy động, vay từ ngân hàng thì sao nhà nước phải trả cả gốc lẫn lãi? Trước câu hỏi  này, bị cáo Dũng thừa nhận, muốn DA này được phê duyệt thì phải được Bộ chủ quan và Chính phủ đồng ý mới đúng, các bị cáo đã không làm đúng theo quy trình. "Trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo mới nhận thức được việc làm của mình là sai, còn trước đây thì không hiểu như vậy" - ông Dũng thành khẩn khai.

Chỉ nghe và biết, không can thiệp vì tình cảm quan hệ với đồng nghiệp không được tốt

Liên quan đến việc mua Dock No 83M (ụ nổi 83M), ông Dũng khai rằng, từ DA xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu biển thì ăn theo đó là DA mua ụ nổi 83M. Trong thời gian đó, bị cáo là Chủ tịch HĐQT, nhận tờ trình do Mai Văn Phúc - khi đó là Tổng giám đốc Vinalines. Thấy đề xuất mua ụ nổi là phù hợp với DA xây dựng Nhà máy sửa chữa tàu ở phía Nam nên đã chấp thuận.

Xoay quanh các câu hỏi của Chủ tọa phiên tòa về việc bị cáo có biết và có chỉ đạo việc mua ụ nổi 83M là cũ hay không thì bị cáo đều phủ nhận: Bị cáo hoàn toàn không chỉ đạo, can thiệp... bất kỳ ai mua ụ nổi mới hay ụ nổi cũ.

Dương Chí Dũng bị dẫn giải đến tòa

Bị cáo chỉ biết, trước khi mua ụ nổi 83M, Vinalines có một đoàn khảo sát sang Nga và trực tiếp là anh Chiều có lên chào bị cáo tại phòng làm việc. Bị cáo chỉ nói: “Chúc anh em đi mạnh khỏe, may mắn!”. Và sau khi đoàn khảo sát từ Nga về cũng qua phòng của bị cáo Dương Chí Dũng để chào và có quà biếu là một chai rượu.

Tại cuộc họp của HĐQT, bị cáo được nghe anh em báo cáo lại chuyến đi công tác đều thuận lợi, ụ nổi mà Vinalines mua vẫn hoạt động bình thường, được sản xuất từ năm 1965, mua với giá 9 triệu USD. Còn khi đi khảo sát, đoàn khảo sát về có báo cáo là ụ nổi đó chỉ hỏng ít và có thể sửa chữa để phù hợp với yêu cầu của Cục Đăng kiểm chứ không có bất cứ báo cáo nào riêng.

HĐXX tiếp tục hỏi, tại sao bị cáo lại quyết định mua ụ nổi ở Nga phải thông qua Công ty AP - Singapore? Ông Dũng trả lời, bị cáo thấy anh em báo cáo phải thông qua Công ty AP - Singapore để  mua ụ nổi 83M. Vì mua thẳng vướng thủ tục xuất nhập khẩu không được.

Mà sau khi mua ụ nổi về, bị cáo không chỉ đạo gì thêm và cũng “không can thiệp vào việc của anh em” do mối quan hệ cá nhân với ông Mai Văn Phúc không tốt.

Đúng 12h trưa nay, HĐXX tạm nghỉ giải lao và cách đây 5 phút đã trở lại làm việc vẫn tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo Dương Chí Dũng.