Đường cao tốc mới thông xe rất nhiều vi phạm

ANTĐ - Chỉ chưa đầy 10 giờ đồng hồ sau khi thông xe tuyến đường cao tốc trên cao vành đai 3 (đoạn từ Bắc Linh Đàm đến cầu Mai Dịch) đã xảy ra 2  vụ TNGT nghiêm trọng khiến 1 người thiệt mạng. Sau 3 ngày đi vào sử dụng, những vi phạm trên tuyến đường này vẫn diễn ra hết sức nhức nhối.

Rất đông người đi bộ và “xe ôm” tập kết trên đường cao tốc chờ xe, đón khách

Đường cấm vẫn vô tư vi phạm

Chỉ có chiều dài chưa đến 9km nhưng tuyến đường cao tốc trên cao vành đai 3 lại có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đường gồm 2 chiều với 4 làn xe chạy và có làn dừng xe khẩn cấp đi qua 4 ngã tư trọng điểm, góp phần làm giảm ùn tắc và TNGT trong nội đô. Tuyến đường trên chỉ có phương tiện ô tô được phép lưu thông với tốc độ tối đa 80km/h. Ở các điểm lên xuống trên cả 2 chiều đường đều được cơ quan chức năng cắm biển báo, biển cấm. Quy định rõ ràng là vậy nhưng hiện nay, những vi phạm tại đây vẫn diễn ra hết sức nhức nhối. 

 Sáng 23-10, theo ghi nhận của PV trên dọc tuyến đường này, xe máy, mô tô vẫn phớt lờ biển cấm vô tư đi lại. Các xe máy đều chạy với vận tốc rất lớn. Nhiều lái xe còn dàn hàng ngang, lạng lách đánh võng chắn trước đầu ô tô. Nguy hiểm hơn, rất nhiều thanh thiếu niên điều khiển mô tô, xe máy không đội mũ bảo hiểm đi ngược chiều. Chưa hết, ở những đoạn đường dẫn lên xuống nằm trên đường Nguyễn Xiển, Phạm Hùng, “cánh” lái “xe ôm” dựng xe túm năm tụm ba đứng ngồi chờ khách. Mỗi khi thấy xe khách đi qua, họ lại nháo nhào chạy theo đón khách. Nhiều hành khách đi trên các tuyến xe khách như Nam Định, Thái Bình lên Hà Nội do không muốn về bến xe Mỹ Đình đón xe buýt đã yêu cầu lái xe dừng lại xuống giữa chừng đi “xe ôm”. Hành vi vi phạm của lái xe khách đã tạo điều kiện hình thành các điểm tập kết “xe ôm” nhốn nháo.

Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện, ở giữa hai chiều đường, cơ quan chức năng đã thiết kế dải phân cách cứng bằng thép có chiều cao hơn 1 mét. Theo quan sát, nhiều người đi bộ vì muốn rút ngắn quãng đường đi đã bất chấp nguy hiểm trèo qua dải phân cách này để sang làn đường đối diện. Không chỉ có xe máy, “xe ôm” và người đi bộ vi phạm, xe tự chế, xe ba bánh mạo danh thương binh chở hàng hóa cồng kềnh cũng vượt biển cấm, len vào giữa các xe ô tô trên đường cao tốc. Ở đường dẫn lên cao tốc trên đường Nguyễn Xiển, mặc cho Thiếu úy Nguyễn Trọng Khương đứng chốt cảnh báo, hướng dẫn, một số thanh thiếu niên vẫn điên cuồng phóng nhanh vọt qua CSGT chạy lên cầu. “Đường dẫn nhỏ, dốc cộng với rất nhiều ô tô đang đi lên lại phải tránh xe máy sẽ gia tăng nguy hiểm cho các phương tiện này”-Thiếu úy Khương lo lắng.

Vừa xử lý kết hợp hướng dẫn 

Bỏ chạy, đi ngược chiều khi phát hiện CSGT đi kiểm tra

Tại nút giao thông gần cầu vượt Mai Dịch hướng về Linh Đàm, để phòng ngừa TNGT, từ 6h sáng, Đội CSGT số 6 Phòng CSGT CATP Hà Nội đã bố trí 1 CSGT ứng trực hướng dẫn phân luồng và xử lý vi phạm. Thượng úy Kiều Văn Cương bức xúc: “Biển cấm, biển hướng dẫn đã cắm ở ngay đầu đường nhưng nhiều người vẫn cố tình vi phạm”. Lợi dụng khi Thượng úy Cương quay ra hướng dẫn lối đi cho một lái xe tải, chỉ chờ có vậy, 3 nam thanh niên điều khiển xe máy đã tăng ga chạy vọt qua chốt xử lý lao lên đường cao tốc. Ở phía bên làn đường đối diện cũng có 1 chốt CSGT đón lõng các phương tiện vi phạm đi từ Linh Đàm về Mai Dịch để xử lý. Tuy nhiên, khi vừa nhìn thấy CSGT giơ hiệu lệnh dừng xe, những người điều khiển xe máy dù đã đi xuống dốc nhưng vẫn quay ngoắt xe lại, cắt mặt xe ô tô để bỏ chạy ngược chiều. Ngay sau đó, thông tin về các lái xe vi phạm đã được điện báo cho tổ tuần tra chốt trực trên đường cao tốc.

Khi bị Thiếu úy Nguyễn Văn Tuấn lập biên bản xử lý, lái xe vi phạm là Vũ Văn Tín, ở Ba Vì, Hà Nội, tường trình vừa mới đi khám bệnh về do không quan sát biển báo nên vi phạm. Tương tự, Nguyễn Thành An (SN 1977), ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh điều khiển xe ba bánh tự chế cũng gãi đầu gãi tai “do đi nhanh nên không thấy biển cấm” khi CSGT dừng xe kiểm tra. Riêng bãi “xe ôm” trên đường cao tốc gần ngã tư Khuất Duy Tiến-Nguyễn Trãi nháo nhào lao xuống đường bỏ chạy ngược chiều khi thấy xe CSGT. Một trong số lái “xe ôm” chậm chân là Phạm Văn Bộ (SN 1988), ở Thái Bình bị xử lý còn không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào liên quan đến phương tiện. Tất cả những phương tiện vi phạm này đều được đưa về bãi tạm giữ.

Tại nút giao thông ở khu vực đường Linh Đàm, Giải Phóng, chỉ huy Đội CSGT số 4 cũng thông tin: “Xử lý được hơn 20 trường hợp xe máy vi phạm”. Còn Trung tá Nguyễn Ngọc Mẽ-Đội trưởng Đội CSGT số 6 cho hay: “Chỉ trong 1 ngày, 2 vụ TNGT giữa xe ô tô và xe máy đi ngược chiều đã khiến 1 người chết, 1 người bị thương nặng. Với vận tốc xe lớn và ở đường trên cao, khi xảy ra TNGT nạn nhân bị tử vong là khó tránh khỏi”. Một số lái xe tải cũng dừng đỗ trên cầu để chờ giờ đi vào đường Phạm Văn Đồng theo Quyết định 09 đã dẫn tới nảy sinh nguy cơ ùn tắc và TNGT. Trước những bất cập, Trung tá Mẽ cũng cảnh báo các lái xe tải không được dừng đỗ tại đây. Riêng về hoạt động xe khách, đơn vị quản lý xe khách phải yêu cầu phương tiện này đi lên trên đường cao tốc trên cao để tránh tuyến đường dưới bị ùn tắc.

Cũng liên quan đến công tác giải quyết các vi phạm trên tuyến đường cao tốc này, trong chiều qua 23-10, đại diện Phòng CSGT khẳng định: Hai đội CSGT số 4, 6 phụ trách tuần tra xử lý vi phạm trên tuyến đường đã tăng cường lực lượng ứng trực từ 6h sáng đến 24h đêm. Lực lượng CSGT sử dụng ô tô CSGT bật đèn quay, dùng loa nhắc nhở và xử lý những phương tiện vi phạm. Đơn vị đã xử lý 40 trường hợp vi phạm, tạm giữ 13 xe mô tô, 1 xe ba bánh tự chế. Hàng chục trường hợp khác cũng bị nhắc nhở. Phòng CSGT cũng cảnh báo người dân phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông; nghiêm cấm các phương tiện mô tô, xe máy đi trên đường cao tốc để tránh xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng.

Có thể tịch thu phương tiện nếu cố tình vi phạm

Đường cao tốc mới thông xe rất nhiều vi phạm ảnh 3
Xe ba bánh, tự chế cũng đi ngược chiều trên đường

Tuyến đường cao tốc trên cao đầu tiên tại Thủ đô sau vài ngày đưa vào khai thác sẽ giúp cải thiện ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm TTATGT và TNGT vẫn xảy ra liên tiếp trên con đường này. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia cho biết:
- Đường trên cao thông xe được 2 ngày thì có 2 vụ tai nạn xảy ra. Dù có  nhiều nguyên nhân khác nhau song đều do xe máy đi vào đường cấm, thậm chí còn đi ngược chiều trên đường dành cho ô tô. Chúng ta cần phải xem xét lại công tác kiểm soát, quản lý nhà nước. Sáng 23-10, tôi đã đề nghị Trưởng phòng CSGT và Thanh tra giao thông Hà Nội phối hợp, tăng cường lực lượng kiểm tra 24/24h.
Ngay sau lễ thông xe, CSGT đã tập trung lực lượng tuần tra đến 22h hàng ngày, nhưng 2 vụ tai nạn này xảy ra sau 23h. Tôi đã đề nghị trong tháng đầu, cảnh sát sẽ tuần tra 24/24h. Mấy ngày qua chưa xử lý nhưng bắt đầu từ 23-10 sẽ phạt, thậm chí tịch thu xe máy nếu cố tình vi phạm. Chúng tôi cũng đề nghị thanh tra giao thông kết hợp phân làn, phân luồng từ xa để cảnh báo. Cảnh sát sẽ chốt trực tại đoạn đường dẫn lên xuống, không cần đứng ở đường trên cao. Công tác xử phạt còn đơn giản hơn xử lý xe vi phạm trên các tuyến cao tốc.
- PV: Một nghịch lý là, khi hạ tầng tốt thì tai nạn gia tăng? 
- Ông Nguyễn Hoàng Hiệp: Có một số tuyến đường vừa khánh thành thì tai nạn tăng đột biến như QL6 từ Hòa Bình lên Điện Biên. Năm 2011, số tai nạn giao thông của Sơn La và Điện Biên tăng đột biến (gần 100%) trên tuyến này do đường đẹp quá. Rõ ràng, câu chuyện đường tốt thì phải đi kèm với giáo dục, tuyên truyền an toàn giao thông. Trong khi những tuyến đường đang sửa chữa có thể ùn tắc kéo dài thì lại ít tai nạn vì các phương tiện đi chậm hơn.
- Liệu có yếu tố liên quan đến chất lượng phương tiện không, thưa ông? 
- Chưa có nghiên cứu nào về ma sát giữa mặt đường và lốp xe cũng như chất lượng phương tiện gây ra tai nạn. Nhưng chúng tôi cũng đã đề nghị với Cục Đăng kiểm Việt Nam tăng cường đăng kiểm phương tiện đặc biệt các thiết bị đảm bảo an toàn cho xe tải, xe khách. Nhưng một số doanh nghiệp cố tình vào đăng kiểm thì lắp lốp mới, khi đưa vào lưu thông lại lắp lốp cũ. 
Những xe qua đăng kiểm chúng tôi khẳng định chắc chắn đảm bảo chất lượng mới được lưu hành. Xe được đóng dấu đăng kiểm, không đảm bảo chất lượng lưu hành chiếm 17%. Kết quả này cho thấy đăng kiểm đang làm rất nghiêm.
- Nhiều người cho rằng, do tốc độ cao nên e ngại đi lên đường cao tốc trên cao, theo ông liệu có do chất lượng đào tạo còn chưa tốt?
- Tôi nghĩ do vấn đề tâm lý là chủ yếu chứ không phải do chất lượng sát hạch lái xe. Thực tế đường đã thiết kế 80km/h, nên cơ sở hạ tầng cũng như mọi khớp nối đều đảm bảo, nếu tất cả lái xe chạy đúng tốc độ phần đường sẽ đảm bảo an toàn, chứ không nguy hiểm.
- Nhiều ý kiến cho rằng, nên tận dụng khoảng không dưới gầm cầu để đưa vào lưu thông, mở rộng đường?
- Đúng là có khá nhiều ý kiến phản ánh, việc để lan can gầm cầu cạn rộng quá, gây lãng phí, nên mở rộng để cho xe đi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nếu mở rộng đường ở phần lan can gầm cầu, thì tổ chức giao thông sẽ rất lộn xộn. Khoảng cách lưu không giữa 2 mố cầu thì rộng, nhưng khi đến các mố cầu lại phải lượn vòng ra tránh, như vậy nếu tổ chức thành đường để lưu thông thì rất phức tạp.
-  Ông có đề xuất gì để Hà Nội tiếp nhận và khai thác hiệu quả tuyến đường này, tránh những rắc rối như vừa qua?
- Với kinh nghiệm của Hà Nội thì việc quản lý 9km đường trên cao không có vấn đề gì. Tôi chỉ đề nghị trước mắt để tạo kỷ cương cho người tham gia giao thông thì phải tuần tra 24/24h và phối hợp với các lực lượng khác tuyên truyền nhắc nhở, có nghiên cứu phân làn hợp lý, đặc biệt là các nút giao tách nhập, nếu có vấn đề thì phải xử lý ngay.