Được sử dụng bằng lái xe nước ngoài khi tham gia giao thông tại Việt Nam?

ANTD.VN - Dự thảo Luật Giao thông đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải xây dựng với hàng loạt điểm mới quan trọng được đông đảo người dân quan tâm như cấm sử dụng điện thoại khi lái xe, người điều khiển phương tiện được sử dụng bằng lái xe nước ngoài, người ngồi ghế sau trên ô tô cũng phải thắt dây an toàn...

Cấm sử dụng điện thoại khi lái xe

Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển xe mô tô 2 bánh, 3 bánh, xe gắn máy không được sử dụng điện thoại di động mà không quy định đối với người điều khiển xe ô tô…

Tuy vậy, tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ, việc dùng tay sử dụng điện thoại di động khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những hành vi bị cấm.

Bên cạnh đó, những hành vi đe dọa, xúc phạm, tranh giành, lôi kéo bắt ép hành khách  sử dụng dịch vụ ngoài ý muốn; Lợi dụng việc xảy ra tai nạn giao thông  để hành hung, đe dọa, xúi giục, gây sức ép làm mất trật tự...cũng bị nghiêm cấm.

Các hành vi vi phạm về an toàn giao thông sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định (ảnh minh họa)

Về việc thắt dây an toàn, nếu như quy định hiện hành chỉ yêu cầu người lái xe và người ngồi hàng ghế phía trước phải thắt dây an toàn thì theo Điều 10 Dự thảo luật, người điều khiển và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây an toàn tại những chỗ có trang bị dây an toàn khi tham gia giao thông trên đường bộ, nghĩa là người ngồi ghế sau cũng phải thắt dây an toàn.

Ngoài ra, người tham gia giao thông không được có cử chỉ, hành động có thể gây nguy hiểm như ném, vứt bất cứ  vật, chất gì hoặc tạo ra chướng ngại vật trên đường.

Được sử dụng bằng lái xe nước ngoài

Điều 58 Luật Giao thông đường bộ nêu rõ, người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe. Song theo dự thảo, người lái xe phải mang theo bản chính Giấy phép lái xe khi điều khiển phương tiện. Trong đó, Giấy phép lái xe gồm một trong các loại sau:

Giấy phép lái xe do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; Giấy phép lái xe nước ngoài phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia được công nhận theo nguyên tắc có đi có lại cấp, còn giá trị sử dụng;

Giấy phép lái xe nước ngoài phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia được công nhận theo điều ước quốc tế mà Việt Nam cùng là thành viên cấp, còn giá trị sử dụng;

Giấy phép lái xe quốc tế và Giấy phép lái xe quốc gia phù hợp với loại xe được phép điều khiển do quốc gia là thành viên của Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp đối với người nước ngoài.

Đặc biệt, Dự thảo luật còn quy định rõ về trạng thái dừng xe và đỗ xe. Theo đó dừng xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông trong thời gian không quá 5 phút và người điều khiển phương tiện không rời vị trí điều khiển, trừ trường hợp xuống để đóng mở cửa xe, xếp dỡ hàng hóa, kiểm tra kỹ thuật xe. Còn đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện mà không phải là dừng xe.

Đáng chú ý, Dự thảo quy định thêm Giấy phép lái xe hạng A0, là loại giấy phép cấp cho người lái xe xe gắn máy (kể cả xe máy điện) có dung tích xi lanh dưới 50 cm3 hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4 kW.

Giấy phép lái xe hạng A1 được cấp cho người lái xe mô tô 02 bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 - 125cm3 (hiện nay là 50cm3 - dưới 175cm3) hoặc có công suất động cơ điện trên 4kW - 11kW. Dự thảo cũng phân Giấy phép lái xe thành 17 hạng khác nhau gồm A0, A1, A, B1, B2, B, C1, C, D1, D2, D, BE, C1E, CE, D1E, D2E và DE.

Trong khi đó, theo quy định hiện hành chỉ có 12 hạng Giấy phép lái xe A1, A2, A3, A4, B1 (B1 số tự động và B1), B2, C, D, E, FB2, FD, FE.