CSKV Công an Hà Nội chuyên nghiệp, thân thiện:

Được khen không kiêu, dân phê bình không nản

ANTĐ - Xác định CSKV là lực lượng nòng cốt  tại cơ sở, liên tiếp trong 2 năm 2013 và 2014, Giám đốc CATP đã ký 2 Chương trình lịch số 13 và 11 để thực hiện 8 giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng, hoạt động của CSKV. 
Được khen không kiêu, dân phê bình không nản ảnh 1
CSKV đến tận nhà dân hướng dẫn thực hiện Thông tư 12

Sâu sát, gần gũi với dân

Bà Diệp Tố Hoa, tổ dân phố 53, phường Quỳnh Lôi, quận Hai Bà Trưng cho biết: 2 năm trở lại đây, người dân nhận thấy CSKV có những bước chuyển rõ rệt. Sự uy nghiêm được thể hiện khi người CSKV xuống địa bàn mặc sắc phục, đội mũ kê-pi, đeo dây chéo, súng đa năng, sắc cốt, sổ sách công tác khác hoàn toàn so với trước đây. “Tội phạm nhìn thấy các chú CSKV cũng phải kiêng nể, còn dân thường thấy các chú thân tình như người nhà”, bà Hoa chia sẻ. 

Thượng tá Phạm Văn Phấn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH CATP Hà Nội đánh giá, để đạt được kết quả đó, ngoài việc củng cố lực lượng, CATP còn ban hành quy chế văn hóa ứng xử của CSKV. Theo đó, CSKV sẽ dành 30 phút đầu giờ làm việc vào hai buổi sáng, tối để tiếp công dân tại trụ sở cơ quan công an sau đó mới xuống địa bàn. CSKV công khai số điện thoại đến người dân, nếu người dân không gặp được CSKV thì cán bộ trực ban phải tiếp, ghi lại và yêu cầu CSKV gọi điện cho nhân dân để tiếp thu ý kiến. Từ đó, tất cả những thông tin liên quan đến người dân  đều được chuyển đến CSKV.

Để nắm bắt tình hình phục vụ công tác chuyên môn, theo quy định 2/3 thời gian làm việc, người CSKV phải xuống địa bàn. Tuy nhiên, việc “xuống dân” phải có chương trình công tác, đến nhà ai, làm việc gì. Trước mỗi đầu giờ tối, chỉ huy và người CSKV có một cuộc giao ban nhanh để chỉ huy, giao việc và đúng 22h30 CSKV sẽ trở về phường để thông tin tình hình, đồng thời tiếp tục triển khai công việc nếu có vấn đề. Hiệu quả của việc thực hiện Chương trình lịch do Giám đốc CATP ban hành đã được nhìn thấy rõ. Chất lượng CSKV đã được nâng lên, nhất là về nhận thức. 

Ông Phạm Thanh Giang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy vui mừng: “May nhờ có chú CSKV đến từng nhà dân hướng dẫn xác nhận hồ sơ ô tô, xe máy sang tên đổi chủ có vướng mắc theo Thông tư số 12 của Bộ Công an mà gia đình tôi đã sang tên đổi chủ cho cả 2 xe máy mua lại của người khác. Sau thời điểm đó, mỗi khi ra đường chúng tôi yên tâm hơn vì phương tiện mang chính tên mình, không lo xảy ra rắc rối”. 

Thượng tá Phạm Văn Phấn cũng cho biết thêm, không chỉ thực hiện tốt Thông tư 12, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH còn phát động phong trào hòa giải mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giúp đỡ người nghèo, người tàn tật, người có hoàn cảnh khó khăn làm CMND, đăng ký hộ khẩu, đã tạo ra hình ảnh người CSKV chính quy, thân thiện với nhân dân và dư luận xã hội. 

Hiệu quả từ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ

Tất cả những nỗ lực đó đã khiến suy nghĩ, đánh giá của người dân  về lực lượng CSKV có nhiều thiện cảm hơn. Thống kê trên toàn thành phố năm 2013, có hàng trăm lượt CSKV làm tốt công tác phòng ngừa, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu công tác đề ra, địa bàn phụ trách không để xảy ra các vụ phạm pháp hình sự... 

Mới đây nhất, thực hiện kế hoạch cao điểm trấn áp các băng nhóm tội phạm có tổ chức, lực lượng CSKV, công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT đã tham mưu cấp ủy, tổ chức tuyên tuyền, phổ biến cho nhân dân dưới nhiều hình thức về các thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm để nâng cao ý thức tự phòng ngừa và tích cực tham gia tố giác tội phạm, băng nhóm tội phạm, thông báo số đối tượng đến đường dây nóng, bố trí các hòm thư tố giác tội phạm để nhân dân biết, kịp thời cung cấp thông tin về hoạt động tội phạm cho cơ quan công an. Chính từ những việc làm trách nhiệm của công an cấp cơ sở mà người dân đã nhiệt tình chủ động hơn trong việc cung cấp thông tin nhất là tin liên quan đến ANTT.

Trong thời gian 4 tháng, từ 20-5 đến 20-9-2014, lực lượng CSKV, công an xây dựng phong trào và phụ trách xã về ANTT đã thu thập được gần 25.000 tin liên quan đến ANTT. Những con số đó cho thấy hiệu quả từ phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ mà bắt nguồn từ hình ảnh người CSKV gần dân, giúp đỡ dân và được người dân tin tưởng. 

Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Trần Quang Trong, Trưởng CAQ Nam Từ Liêm nhìn nhận, để hoàn thành được nhiệm vụ, mỗi CBCS công an cần phải coi trọng công tác cơ bản, phải phối hợp với nhân dân để được người dân chia sẻ, giúp đỡ, ủng hộ. Muốn làm được điều đó, mỗi chiến sỹ Công an, đặc biệt là CSKV phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản thân, nỗ lực không ngừng và phải đến với nhân dân bằng tình cảm thật. 

Là lực lượng tiếp xúc trực tiếp với nhân dân ở cấp cơ sở, chúng tôi đã được nghe nhiều chuyện về những người CSKV. Chuyện về nhiều thế hệ CSKV đã gắn bó với xóm chạy thận ở phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng; chuyện về những CSKV dân “không cho” chuyển địa bàn vì thân thiết còn hơn người nhà. “Được khen thì vui, nhưng trước những ý kiến phê bình, mỗi người CSKV phải càng cảm thấy vui hơn, bởi như vậy là người dân còn quan tâm, còn quý trọng lực lượng Công an. Chỉ sợ nhất là người dân không còn muốn gặp CSKV để giãi bày. Còn khi được dân hiểu, dân tin, nhiệm vụ khó đến mấy cũng thông suốt”- Đại úy Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó trưởng CAP Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm chia sẻ.