Được “cởi trói” sinh con thứ ba, người Trung Quốc vẫn e ngại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Trung Quốc quyết định cho phép các cặp vợ chồng được sinh con thứ ba, đảo ngược đà giảm dân số hiện nay. Liệu điều này có thể thay đổi được gì và phản ứng của người dân ra sao?
Các cặp vợ chồng trẻ Trung Quốc hiện giờ không muốn sinh nhiều con do áp lực cuộc sống quá cao

Các cặp vợ chồng trẻ Trung Quốc hiện giờ không muốn sinh nhiều con do áp lực cuộc sống quá cao

“Để tối ưu hóa hơn nữa chính sách kế hoạch hóa gia đình, Trung Quốc sẽ thực hiện chính sách một cặp vợ chồng có thể có 3 con”, Tân Hoa xã đưa tin về kết quả cuộc họp Bộ Chính trị hôm 31-5. Động thái này diễn ra sau cuộc điều tra dân số kéo dài một thập kỷ của Trung Quốc cho thấy, dân số nước này tăng với tốc độ chậm nhất kể từ những năm 1950.

Nhiều năm qua, câu chuyện về thành công của Trung Quốc thường xoay quanh lợi thế nhân khẩu học của họ trong thế kỷ 20, lượng lao động khổng lồ đã biến quốc gia đông dân nhất thế giới thành một cường quốc sản xuất toàn cầu. Nhưng sau nhiều năm công nghiệp hóa và đô thị hóa nhanh chóng, Trung Quốc đang trải qua sự sụt giảm dân số ngang bằng với các nước phát triển, với tỷ lệ sinh giảm, dân số già và khoảng cách giới ngày càng tăng.

Tỷ lệ sinh ở Trung Quốc đã giảm 15% vào năm ngoái, phản ánh tác động mạnh của đại dịch cũng như chi phí nhà ở và giáo dục tăng cao ở các thành phố đông đúc. Theo số liệu điều tra dân số mới nhất, gần 20% dân số Trung Quốc hiện ở độ tuổi 60 trở lên. Vào đầu thập kỷ tới, theo nghiên cứu của Morgan Stanley, gần 124 triệu người Trung Quốc sẽ bước vào độ tuổi từ 55 trở lên, đó là dấu hiệu của dân số già đi nhanh chóng.

Tất cả điều này phần lớn là do di sản chính sách “một con” nặng nề của Bắc Kinh từ 40 năm trước. Năm 2016, Trung Quốc đã nới lỏng quy định, cho phép các cặp vợ chồng có 2 con nhưng tỷ lệ sinh của quốc gia này vẫn giảm trong 4 năm liên tiếp.

Tân Hoa xã cho biết, sự thay đổi chính sách sẽ đi kèm với “các biện pháp hỗ trợ, có lợi cho việc cải thiện cơ cấu dân số, hoàn thành chiến lược chủ động đối phó với dân số già và duy trì lợi thế, nguồn nhân lực dồi dào”. Nhưng rất ít chuyên gia tin rằng chính sách mới có thể giảm thiểu tác hại gây ra qua nhiều thế hệ.

“Chính sách 3 con là một bước tiến, nhưng câu hỏi đặt ra là: Nếu chính sách 2 con không khuyến khích mọi người có thêm con, liệu điều đó có xảy ra với chính sách 3 con không?”, ông Sun Xiaomei, một giáo sư tại Đại học Phụ nữ Trung Quốc nói.

“Muốn có hiệu quả, cần có một gói chính sách toàn diện từ ưu đãi thuế, trợ cấp giáo dục và nhà ở đến chế độ nghỉ thai sản và dịch vụ chăm sóc trẻ em toàn diện”, ông Liu Li-Gang, Giám đốc điều hành kiêm kinh tế trưởng thị trưởng Trung Quốc tại Citigroup, nói với Bloomberg News.

Tương tự, nhiều người Trung Quốc cho rằng, họ vẫn còn quá nhiều áp lực nên khó ủng hộ việc sinh con thứ ba. Jia Shicong, một nhà quản lý dự án giáo dục, 31 tuổi, có con nhỏ gần 2 tuổi và sống ở Tây An, miền Trung Trung Quốc chia sẻ: “Khi nghe thông tin, các đồng nghiệp của tôi đã nói đùa rằng, trừ khi chính phủ thưởng cho chúng tôi một suất chung cư và bằng tốt nghiệp cho mỗi đứa con mà chúng tôi sinh ra, chứ chính sách này chẳng liên quan gì đến chúng tôi cả”.

Theo người phụ nữ này, ngày nay, các cặp vợ chồng Trung Quốc không muốn sinh nhiều con, do áp lực quá cao. Đối với phụ nữ, càng sinh nhiều con, họ càng phải hy sinh nhiều hơn trong sự nghiệp của mình. Ngoài ra, các bậc cha mẹ muốn mọi thứ tốt nhất cho con cái của họ, nhưng sự cạnh tranh ở Trung Quốc ngày nay quá khốc liệt.

“Tóm lại, thế hệ người Trung Quốc của tôi khá khác so với thế hệ của cha mẹ tôi. Thế hệ của cha mẹ tôi sống vì con cái họ, nhưng thế hệ của tôi sống cho chính mình”, Jia Shicong cho hay.