Đừng xem nhẹ bản quyền bìa sách

ANTD.VN - So với nạn “đạo nhái” văn chương ồn ào thì những tranh chấp về bìa sách thường ít được để ý hơn bởi nhiều người chỉ quan tâm đến nội dung, ít ai nặng nhẹ chuyện “bao bì sản phẩm”. Nhưng những câu chuyện tranh chấp về bìa sách sau đây cũng đặt ra những câu hỏi về ý thức của một số đơn vị xuất bản trong việc tôn trọng bản quyền bìa sách.  

Bức tranh minh họa bìa cuốn sách “Giấc mơ đôi chân thiên thần” cũng bị tố dùng không xin phép

Chậm trễ hay thiếu chuyên nghiệp?

Mới đây, trên trang cá nhân của một nhà thơ trẻ có đăng tải một vụ việc liên quan đến cuốn tản văn “Đến Nhật Bản học về cuộc đời” của tác giả Nguyễn Lê Nhật Linh, do NXB Trẻ ấn hành. Trong đó, nhà thơ này đã phát hiện ra bìa cuốn sách trên chính là một bức tranh của họa sỹ Nhật Bản Tatsuro Kiuchi, nhưng phần bìa lại được ghi là họa sỹ Việt Nam khác.

Đáng chú ý, bức tranh trên đã được chỉnh sửa đôi chỗ về cảnh quan, màu sắc trước khi được thiết kế lại để phù hợp với phần bìa cuốn sách. Theo nhà thơ này, thì bức tranh trên đã được họa sỹ Tatsuro Kiuchi bán cho Please - một ấn phẩm quảng cáo hàng tháng của Japan Railway Kyushu, công ty đường sắt ở Nhật Bản, và rất khó để đơn vị xuất bản của Việt Nam mua lại bản quyền của tác phẩm này.  

Trước những phản hồi liên tiếp từ độc giả, NXB Trẻ mới có động thái là liên lạc và đề nghị được trả tiền bản quyền bức tranh với tác giả Tatsuro Kiuchi. Đồng thời, đơn vị này cũng lên tiếng xin lỗi tác giả vì đã sử dụng và chỉnh sửa tranh mà chưa có sự cho phép.

Vụ việc được “dàn xếp” khá êm thấm khi phía họa sỹ Nhật Bản đã chấp nhận lời xin lỗi và mức tiền bản quyền (dù số tiền này là không đáng là bao so với bản quyền mà họa sỹ này nhận được ở Nhật), đồng thời cho biết sẽ không truy cứu gì thêm.

Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây đó là cả tác giả cuốn sách lẫn họa sỹ chịu trách nhiệm thiết kế đều không có một lời giải thích chính thức hay đính chính về vụ việc này. 

“Mượn” tùy ý mà không xin phép

Chuyện họa sỹ vẽ tranh, gửi lên mạng rồi bỗng một ngày giật mình nhìn thấy sản phẩm của mình “chềnh ềnh” trên một cuốn sách đã không phải nỗi khổ riêng ai. Điển hình là vụ việc Công ty TNHH Văn hóa Đông Tây bị tố cáo là tự ý lấy hai bức  ảnh của Nguyễn Mai Hương (sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội) để làm bìa cho 2 cuốn sách “Giấc mơ đôi chân thiên thần” của tác giả Trần Hà My và tuyển tập “Gửi về miền Trung” (nhiều tác giả) mà không xin phép.

Đáng nói, họa sỹ trẻ này rất bất ngờ khi thấy cả hai bức ảnh của chị đã không còn nguyên vẹn khi một bức bị xóa chữ ký còn một bức bị thêm một chi tiết. Trước sự việc này, Công ty TNHH Văn hóa Đông Tây thừa nhận đã có lỗi trong việc không xem xét, kiểm duyệt kỹ càng trước khi sử dụng sản phẩm, còn trách nhiệm bản quyền thuộc về họa sỹ Thắm - người được thuê thiết kế hai bản vẽ (?!)

Rõ ràng, nếu so với nạn đạo nhái văn chương, thì chuyện bản quyền bìa sách tuy không mới nhưng dường như đang bị coi nhẹ. Một phần thói quen sử dụng tùy tiện của chính những người chịu trách nhiệm thiết kế bìa sách, vì nghĩ rằng sản phẩm trên mạng có thể “mượn” tùy ý mà không cần xin phép.

Một phần chính các “nạn nhân” của những tác phẩm trên – phần nhiều là những họa sỹ ít tên tuổi hoặc ít được biết đến, thường không quyết liệt bảo vệ chính “đứa con tinh thần” của mình. Và nếu có bị phát hiện thì cũng chẳng biết nên gõ cửa ai.

Mặt khác, nhiều đơn vị xuất bản đang phó mặc hoàn toàn số phận những trang bìa cho họa sỹ thiết kế, trong khi không có “hàng rào kiểm duyệt” đủ mạnh, nên xảy ra tranh chấp thì rất thụ động, lúng túng. Và trách nhiệm cuối cùng thuộc về ai, về đơn vị xuất bản, hay là họa sỹ thiết kế, thì đến nay chưa ai rõ.