Dùng vũ lực khi đòi nợ có thể bị xử lý về tội cướp

ANTD.VN - Hỏi: Con tôi học lớp 11, trên đường đi học về cháu nghe theo bạn bè rủ rê nên chặn đường để đòi tiền một học sinh khác. Lúc đòi tiền, một cháu trong nhóm con tôi tát cháu vay nợ tiền một cái, rồi cả nhóm lục túi lấy hơn 1 triệu đồng để trừ vào khoản tiền 2 triệu đồng đã vay… hiện nay, con tôi cùng nhóm bạn liên tục bị gọi lên cơ quan công an làm việc và có thể sẽ bị xử lý hình sự. Xin hỏi luật sư, hành vi của con tôi có phạm tôi không và tội đó là tội gì, mức hình phạt ra sao? Nguyễn Việt Dũng (Vĩnh Phúc)

Dùng vũ lực khi đòi nợ có thể bị xử lý về tội cướp ảnh 1Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và cộng sự; Địa chỉ: Số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Trả lời: Theo quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm”. Và phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm: Có tổ chức; phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đối chiếu với trường hợp bạn nêu thì con bạn và các bạn học có dấu hiệu phạm vào tội “Cướp tài sản”, quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự. Bởi hành vi tát, rồi lục túi lấy tiền của người khác chính là hành vi dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản. Đối với tội “Cướp tài sản”, pháp luật không căn cứ vào tổng số tiền, tài sản chiếm đoạt được là bao nhiêu để xác định về mặt tội danh (tội phạm cấu thành về hình thức).

Dùng vũ lực khi đòi nợ có thể bị xử lý về tội cướp ảnh 2Pháp luật không cho phép người cho vay dùng những biện pháp trái pháp luật để thu hồi nợ. Tranh minh họa

Tiền và tài sản chiếm đoạt chỉ là một trong những căn cứ để xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi. Nói cách khác là nó chỉ có ý nghĩa để xác định khung, khoản của điều luật đối với tội phạm này. Hơn nữa, Bộ luật Hình sự 2017 còn quy định, nếu người bị cướp tài sản mà dưới 16 tuổi thì những người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 của Điều 168 với khung hình phạt là từ 7-15 năm tù.

Có thể bạn hiểu và cho rằng hành vi của con bạn cùng nhóm bạn đơn giản chỉ là đòi lại số tiền đã cho vay nhưng pháp luật lại không cho phép người cho vay tiền dùng những biện pháp trái pháp luật để thu hồi nợ. Đây cũng là trường hợp mà ngay cả người lớn cũng dễ vấp phải, khi cho ai đó vay tiền và bên vay cố tình không chịu hoàn trả…

Đối với trường hợp bạn nêu, CQĐT sẽ làm rõ động cơ, mục đích phạm tội và tính chất mức độ hành vi của con bạn cũng như các bạn của con bạn để xem xét áp dụng hình thức xử lý phù hợp nhất. Bởi theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 thì chính sách pháp luật của Nhà nước ta sẽ luôn khoan hồng đối với trẻ em phạm tội và chỉ áp dụng hình phạt tù nếu thấy thật sự cần thiết.