“Đừng vội bán vàng miếng”

ANTĐ - Đây là lời khuyên của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Lê Minh Hưng đưa ra hôm qua (17-8). Theo ông Hưng, phương án chuyển đổi vàng miếng phi SJC cũng như vàng SJC cong vênh, móp méo... sẽ được ban hành trong vài ngày tới.

Vàng miếng các thương hiệu khác sẽ không còn bị phân biệt?

Thiệt đơn thiệt kép 

Mua được 2 cây vàng SJC hồi đầu năm để dành, chị Thu Trang (Đống Đa - Hà Nội) có ý định mang bán vì gia đình có việc, tuy nhiên khi mang tới cửa hàng thì bị từ chối mua vì bảo quản không tốt khiến vàng bị móp. Cũng giống như chị Trang, nhiều khách hàng nắm giữ vàng miếng SJC phải chấp nhận bán với giá thấp hơn giá niêm yết cho các cửa hàng.

Không chỉ người giữ vàng miếng SJC mà kể cả vàng miếng các thương hiệu khác cũng luôn chịu thiệt khi giao dịch. Cùng chất lượng, cùng khối lượng vàng như nhau nhưng các thương hiệu khác còn bị mua với giá thấp hơn rất nhiều. Ngày 17-8, trong khi vàng miếng SJC được mua vào với giá 42,47 triệu đồng/lượng thì vàng Rồng Bảo Tín Minh Châu chỉ được mua với giá chưa đến 41 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch tới gần 1,5 triệu đồng chỉ vì thương hiệu.

Việc Công ty VBĐQ Sài Gòn (SJC) ngừng mua vàng miếng bị móp méo, cong vênh thời gian gần đây khiến nhiều khách hàng lo lắng vì không biết giải quyết như thế nào. Lý giải về việc này, ông Nguyễn Công Tường - Phó phòng Kinh doanh bán sỉ - Công ty SJC cho biết: “Kể từ ngày 13-8, công ty đã ngừng mua vào vàng miếng SJC bị móp méo và đến hiện tại vẫn chưa có chủ trương mua vào loại vàng này. Lý do là từ ngày 25-5, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng có hiệu lực, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng nên SJC có mua vàng méo về thì cũng chỉ để cất kho chứ không được phép gia công, sản xuất”.

“Từ thời điểm ngày 25-5, để gỡ khó và tránh hoang mang cho người dân, Hội đồng thành viên SJC đã quyết định thành lập quỹ 200 tỷ đồng vay từ ngân hàng dùng để thu mua vàng miếng cong vênh từ thị trường. Vàng mua về chỉ để cất kho trong khi nếu tính lãi suất vay 13%/năm, mỗi tháng SJC phải gánh khoảng 460.000 đồng/lượng lãi vay ngân hàng. Đó là chưa kể những rủi ro về giá, giá lên hoặc ổn định thì không sao, chứ giá xuống thì doanh nghiệp lỗ nặng”, ông Tường nhấn mạnh.

Vài ngày tới sẽ có phương án 

Trước dư luận về một số vấn đề liên quan đến hoạt động mua, bán vàng SJC móp méo và vàng miếng khác trên thị trường, Phó Thống đốc NHNN - Lê Minh Hưng cho biết: “NHNN đang gấp rút hoàn thành để có thể ban hành ngay trong một vài ngày tới các quy định liên quan đến hoạt động sản xuất vàng miếng SJC trong đó bao gồm cả các quy định về chuyển đổi vàng miếng SJC cong, vênh, móp méo, cũng như chuyển đổi các loại vàng miếng nhãn hiệu khác thành vàng miếng SJC, làm cơ sở cho việc thống nhất thực hiện trong toàn quốc đối với mọi đối tượng doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh vàng miếng”.

“Nguyên tắc chung của các quy định nói trên là tất cả các loại vàng miếng SJC cong, vênh, móp méo, cũng như các loại vàng miếng nhãn hiệu khác đúng tiêu chuẩn, nếu có nhu cầu, đều được chuyển đổi thành vàng SJC. Do vậy doanh nghiệp và người dân yên tâm, đừng vội bán với giá thấp mà ảnh hưởng đến quyền lợi”- ông Hưng đưa ra lời khuyên.

Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng có hiệu lực từ cuối tháng 5, tính đến nay đã gần 3 tháng nhưng phương án xử lý các vấn đề như chuyển đổi vàng phi SJC thế nào, vàng méo, vàng cong vênh ra sao... vẫn chưa được NHNN chính thức đưa ra. Sự chậm trễ trong việc đưa ra chính sách đã khiến người dân phải lo lắng cũng như chịu thiệt khi mua bán vàng, đồng thời cũng khiến doanh nghiệp bế tắc do không biết làm như thế nào là đúng. 

Theo ông Đinh Nho Bảng - Tổng Thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng, NHNN nên có chỉ đạo về việc mua bán, chuyển đổi vàng phi SJC hay vàng méo, vàng cong vênh thế nào để dân khỏi thiệt. Chẳng hạn, NHNN trực tiếp hoặc thông qua đại lý là các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp mua lại vàng của các thương hiệu phi SJC theo giá thị trường, thêm phí gia công và các loại phí cần thiết như phí vận chuyển, bảo quản…