Đằng sau những cuộc đấu giá triệu đô (2)

Đừng vô tâm với báu vật quốc gia

ANTĐ - Nói chúng ta không quan tâm hoặc chưa quan tâm đến khảo cổ học dưới nước có lẽ là đánh giá chưa toàn diện. Nhưng thực tế chúng ta đang phụ thuộc vào những yếu tố nước ngoài khi muốn thực hiện khai quật.

Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm đúng mức

Hiện thực đáng buồn

Những yếu tố nước ngoài ở đây là chuyên gia nước ngoài, phương tiện, và kinh phí của các tổ chức… nước ngoài. Cho đến nay, chúng ta đã thực hiện được 5 cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước, và chỉ có một lần chúng ta sử dụng nhân lực và vật lực của Việt Nam. Đó là cuộc khai quật tàu cổ Cà Mau với kinh phí thực hiện do Nhà nước cấp khoảng 13 tỷ đồng. Đây là cuộc khai quật duy nhất mà Việt Nam có quyền xử lý và định đoạt số phận của toàn bộ hiện vật.

PGS-TS Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam cho biết, ngành khảo cổ học dưới nước của Việt Nam chưa phát triển, nên các cuộc khai quật tàu cổ thường được tiến hành trong tình thế “chữa cháy”. Tức là nếu chưa có khả năng khai quật thì tìm cách bảo vệ, bảo quản. Cho đến nay, 100% tàu cổ được phát hiện thời gian qua đều là nhờ các… ngư dân. Và cũng 100% số tàu được phát hiện đều trong tình trạng bị xâm hại rất nhiều. Có một điều không ai ngờ tới, tất cả những cổ vật được đưa lên khỏi mặt nước, rũ lớp bùn thời gian mà đến được với các bảo tàng, bộ sưu tập phần lớn là nhờ công của các chuyên gia nước ngoài và… ngư dân.

Điển hình là câu chuyện ly kỳ về việc tìm thấy chuông Vân Bản ở vùng biển Đồ Sơn vào năm 1958. Một ngư dân ở Đồ Sơn trong khi thả lưới đã tìm được chiếc chuông cổ thứ 3 ở Việt Nam. Hay vào cuối tháng 5-2011, tại huyện Phú Vang (Thừa Thiên - Huế) đã xảy ra một vụ việc đáng nhớ. Hơn một tháng trước đó, ngư dân hai thôn Xuân Thiên Hạ và Xuân Thiên Thượng, xã Vinh Xuân (huyện Phú Vang) phát hiện một chiếc thuyền đắm trên địa bàn xã. Éo le thay, thân tàu được làm bằng kim loại đồng, chiều dài tới hơn 20m. Thế là ngư dân cả hai xã hò nhau kéo ra “xẻ thịt” con thuyền. Ngoài ra người ta còn phát hiện nhiều hiện vật quý trên tàu như: nhiều hiện vật bằng đồng, mâm súng thần công… và có cả tiền xu được cho là từ thời Minh Mạng. Mãi cho tới khi con thuyền bị “xẻ thịt” gần xong, người ta mới cấp báo lên chính quyền. Lúc này, mọi sự đã không còn cách cứu vãn. Khi những cán bộ có thẩm quyền xuống đến hiện trường, “bắt quả tang” một nhóm 20 ngư dân đang lặn ngụp ở khu vực đó với dấu hiệu khả nghi. Qua quá trình đấu tranh, điều tra, nhóm ngư dân trên khai từ tận Quảng Nam, Đà Nẵng nghe kháo nhau về chiếc thuyền cổ nhiều đồ quý mới kéo nhau ra để tìm vận may. Rồi chỉ có một số ít các hiện vật được giao nộp cho ngành văn hóa. Số còn lại đã “không cánh mà bay”.

Cần sớm được quan tâm

Hiện vật trong tàu cổ Cù Lao Chàm (Quảng Nam)

Những ví dụ kể trên là minh chứng cho sự thiếu chủ động của các cơ quan chức năng. Các cuộc khai quật cũng chỉ được tiến hành sau khi ngư dân đã dùng chài lưới cào quét chán chê. Không những thế, khi người dân lấy cổ vật, hiện trường bị xáo trộn, gây khó khăn trong việc xác định nghiên cứu cấu trúc, xuất xứ, nguồn gốc cũng như quản lý các tàu cổ đã chìm.

Bên cạnh đó, chúng ta không thể tự chủ được nguồn nhân, vật lực phục vụ cho công tác khảo cổ dưới nước. Với những vùng nước sâu trên 80m cộng thêm điều kiện thời tiết không ổn định, các nhà khảo cổ trong nước chỉ có thể bó tay đứng nhìn vì biết chắc không thể có kinh phí thực hiện. Chưa hề có một cuộc thăm dò sơ bộ, xác định có bao nhiêu con tàu cổ đắm ngoài khơi, đắm ở tọa độ nào để vẽ bản đồ khảo cổ và có kế hoạch gìn giữ. Thế nên, có thể khẳng định, những người làm khảo cổ biết cổ vật bị thất thoát, bị “chảy máu” nhưng mất bao nhiêu và mất đi đâu thì chẳng ai biết và chẳng ai quản nổi. Vẫn biết, đầu tư cho một cuộc khai quật khảo cổ học dưới nước là vô cùng đắt đỏ, và chắc chắn về mặt kinh tế không thể cho là thành công. Nhưng, những giá trị tinh thần hiện vật mang đến lại vô cùng quý giá. Nhiều hiện vật trên “con đường gốm sứ” là minh chứng của sự giao thương sôi động giữa Việt Nam thời xưa với các nước trong khu vực.

Quan trọng hơn cả, đó là sự khẳng định Việt Nam là trung tâm của các tuyến vận tải trên biển. Khó có thể hoạch định được việc gì nên làm trước, việc gì nên làm sau để khai sinh ra đội ngũ khảo cổ học dưới nước của Việt Nam. Chưa nói tới việc tổ chức khảo cổ dưới nước, ngay cả việc bảo vệ những tàu cổ cũng đã là một điều bất khả thi. Bởi đã có ai nắm được địa điểm nào có tàu, dù chỉ là ước đoán. Nhưng trong lúc những người có tâm huyết với khảo cổ học dưới nước đang ngày càng mai một những người có trách nhiệm không thể bình chân như vại. Trong lúc chờ một cơ chế thoáng hơn, với những ưu đãi hơn cho khảo cổ học dưới nước cần ngay lập tức xây dựng đội ngũ được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản. Khi còn đương chức giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, ông Phạm Quốc Quân đã từng rất quyết liệt trong việc nỗ lực thành lập một Trung tâm Khảo cổ học dưới nước ở Vũng Tàu. Thế nhưng, tất cả cho đến giờ vẫn giậm chân tại chỗ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, nếu ngay từ bây giờ xây dựng đội ngũ chuyên gia khảo cổ học dưới nước thì sẽ đào tạo như thế nào, khi chúng ta không hề có các trang thiết bị dùng cho công tác thực hành. Như vậy, số chuyên gia được đào tạo kia sẽ chỉ là có học mà không có hành, chỉ biết lý thuyết mà không nắm được thực tiễn vận dụng.