Dừng viện trợ thuốc cho bệnh nhân HIV: Nguy cơ đại dịch bùng phát trở lại?

ANTĐ - Thuốc kháng virus HIV (ARV) được sử dụng tại Việt Nam từ năm 2004 đã giúp hàng trăm nghìn bệnh nhân chiến đấu với căn bệnh này. Từ 400 người, đến nay sau hơn 10 năm đã có khoảng hơn 100.000 người nhiễm HIV ở Việt Nam được điều trị bằng ARV, 95% kinh phí cho nguồn thuốc này nhờ vào viện trợ của các tổ chức quốc tế. Vì vậy, thông tin các tổ chức quốc tế sẽ giảm dần và tiến tới dừng viện trợ cho bệnh nhân HIV trong năm 2017 tới đã khiến nhiều người lo lắng.

Dừng viện trợ thuốc cho bệnh nhân HIV: Nguy cơ đại dịch bùng phát trở lại? ảnh 1
Bị cắt giảm hơn 400 tỷ đồng mỗi năm

Nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, điều trị ARV làm giảm 96% nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục và giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%, đồng thời còn làm giảm gánh nặng điều trị cho gia đình, ngành y tế. Hiện nước ta đã có hơn 312 phòng khám ngoại trú và 526 điểm cấp phát thuốc ARV tại xã, phường. Chương trình điều trị cũng đã được triển khai tại 23 trại giam và 33 trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội. Theo thống kê của Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), hiện nay dịch HIV trên toàn quốc đã có dấu hiệu chững lại, giảm tới 50% số ca nhiễm mới.

Số ca tử vong vì AIDS cũng đã giảm từ 150.000 xuống còn 11.000 trường hợp/năm. Cộng đồng quốc tế đánh giá, nếu có đủ nguồn lực và đầu tư một cách hiệu quả vào công tác dự phòng, điều trị, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội xóa bỏ HIV vào năm 2030. 

Tuy nhiên, chúng ta đang và sẽ phải đối mặt với những khó khăn không hề nhỏ. Đầu tiên là sự thay đổi về cơ chế, chính sách đã khiến chương trình phòng chống HIV/AIDS không còn là mục tiêu Quốc gia, mà chỉ là một dự án trong chương trình Dân số - KHHGĐ, do vậy ngân sách chi cho chương trình cũng bị hạn chế. Đặc biệt là thời gian tới, hàng loạt tổ chức quốc tế sẽ giảm dần và tiến tới dừng viện trợ cho hoạt động phòng, chống HIV của Việt Nam.

Theo đúng lộ trình, từ tháng 3-2016, các nhà tài trợ sẽ không tiếp nhận bệnh nhân mắc HIV mới và đến hết năm 2017 các khoản viện trợ nêu trên sẽ chấm dứt hoàn toàn. Nhiều người lo lắng nếu không có những giải pháp tích cực để bù lại khoảng hụt này thì việc điều trị gián đoạn và bùng phát trở lại đại dịch HIV là kịch bản có thể xảy ra.

Không để xảy ra kịch bản xấu

Người nhiễm HIV/AIDS nếu không có thuốc ARV để uống sẽ tăng khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội và sẽ tử vong; nếu không được uống thường xuyên và liên tục sẽ gây nguy cơ HIV kháng thuốc dẫn đến chi phí điều trị tăng gấp 7-8 lần. Việc gia tăng số người nhiễm HIV và nhiễm các bệnh nhiễm trùng cơ hội sẽ làm tăng chi phí y tế, chi phí an sinh xã hội mà người nhiễm HIV hoặc Chính phủ phải chi trả. Vì vậy, việc duy trì điều trị HIV bằng thuốc ARV luôn cần phải được đảm bảo.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: “Thực tế đã chứng minh, không có quốc gia nào mà HIV có thể tự mất đi mà không có đầu tư. Và chúng ta càng đầu tư sớm khi mà HIV còn khu trú ở một số nhóm đối tượng thì càng dễ và càng đỡ tốn kém. Nếu đầu tư muộn sẽ tốn kém và khó khăn hơn. Vì vậy trong điều kiện khó khăn chúng ta vẫn phải tiếp tục duy trì và trong những năm tới còn phải mở rộng hơn nữa”.

Chi phí thuốc ARV điều trị HIV/AIDS tại Việt Nam hiện nay là khoảng 10.000 đồng/ngày/bệnh nhân. Theo tính toán thì nếu nguồn viện trợ bị cắt giảm hoàn toàn, chúng ta sẽ phải cần đến khoảng 420 tỷ đồng mỗi năm cho kinh phí mua thuốc ARV. Việc bệnh nhân HIV tự chi trả cho thuốc là khó khả thi vì hầu hết người nhiễm HIV là những người không có khả năng tự chi trả cho việc điều trị liên tục và suốt đời. Vì vậy khó khăn lớn nhất là làm thế nào chúng ta có đủ nguồn tài chính mua thuốc ARV để tiếp tục cung cấp cho khoảng gần 100.000 người đang được điều trị hiện nay và để mở rộng cho 90% người nhiễm HIV được phát hiện, tức là khoảng 200.000 người được điều trị vào năm 2020 như chúng ta đã đặt ra mục tiêu và đã cam kết. 

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, trước mắt Chính phủ cần đầu tư nguồn Ngân sách Nhà nước để mua thuốc ARV bù đắp vào các thiếu hụt do sự cắt giảm tài trợ của các tổ chức quốc tế. Song song với đó, cần thực hiện các biện pháp để có thể chi trả điều trị ARV qua bảo hiểm y tế. Bản thân người nhiễm HIV cũng cần phải chia sẻ với Nhà nước, bằng cách mua BHYT. “Theo thống kê của chúng tôi thì chỉ có 30% số người nhiễm HIV điều trị ARV là có bảo hiểm. Trong thời gian tới chúng ta phải phát triển tỷ lệ có bảo hiểm cao hơn nữa, phấn đấu đến 2020 khoảng 70-80% số người nhiễm HIV điều trị ARV có bảo hiểm y tế để có nguồn tài chính chi trả”. 

Một giải pháp khác cũng được đưa ra, đó là khuyến khích các công ty cung ứng thuốc ARV tập trung sản xuất các mặt hàng thuốc chủ yếu cho người nhiễm HIV/AIDS. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Việt Nam tuy có khả năng sản xuất thuốc ARV trong nước, nhưng mới chỉ sản xuất được thuốc phác đồ điều trị bậc 1 trong khi đó, số bệnh nhân cần thuốc phác đồ điều trị bậc 2 lại đang gia tăng.