Đừng tự biến mình thành vật cản

ANTD.VN - “Trên nóng, dưới lạnh”; “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”... - những “căn bệnh” phổ biến của một bộ phận cán bộ, công chức chữa mãi vẫn chưa khỏi dứt điểm. 

Phát biểu tại diễn đàn Quốc hội đầu tuần qua, các vị đại biểu Quốc hội lại dẫn ra nhiều ví dụ sinh động trong đời sống kinh tế - xã hội để minh họa cho những “căn bệnh” mãn tính kể trên.

Đại ý, các vị đại biểu Quốc hội cho rằng, ở một số lĩnh vực cụ thể, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt nhưng bộ máy hành pháp bên dưới lại... bình chân như vại. Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh, UBND TP... vào cuộc khẩn trương nhưng Sở, ngành, quận, huyện lại nhẩn nha. Giám đốc Sở bảo làm ngay nhưng Trưởng phòng, chuyên viên lại từ từ... Hệ quả tất yếu là quản lý yếu kém, bộc lộ nhiều kẽ hở, để xảy ra nhiều vi phạm, gây bức xúc trong dư luận.

Vì sao có tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”? Liệu có phải do cán bộ năng lực, trình độ yếu kém, không đủ sức để triển khai nhanh, hiệu quả chỉ đạo của cấp trên hay do lợi ích nhóm hoặc tình trạng cục bộ, cát cứ, lo mất quyền lợi nên phải “ôm” khư khư công việc, không muốn “nhả” ra cho người khác làm dù mình không kham nổi? Dù lý do là gì thì cũng không thể chấp nhận thực tế này bởi hậu quả của nó là rất lớn đối với hiệu quả hoạt động của cả một cơ quan, đơn vị, thậm chí là của một Bộ, ngành, địa phương.

Khó có “phương thuốc” nào trị dứt được bệnh “trên nóng, dưới lạnh” nếu bản thân người cán bộ, công chức từ chối “uống thuốc”. Tuy vậy, người điều hành bộ máy hành chính luôn có những giải pháp để kiểm soát, hạn chế tới mức thấp nhất tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. 

Hà Nội gần đây áp dụng phương châm 5 rõ - “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả” và nguyên tắc “một đầu mối, một việc xuyên suốt” trong chỉ đạo, điều hành công việc hàng ngày. “Công thức” ngắn gọn, dễ hiểu này đã làm giảm đáng kể tình trạng “trên nóng dưới lạnh” và nhìn chung, công việc đã “chạy” hơn rất nhiều.

Kỷ luật, kỷ cương hành chính đã có những chuyển biến rõ nét, được người dân, doanh nghiệp ghi nhận. Những điều tiếng kiểu như “chuyên viên to hơn Giám đốc Sở” hay “trên bảo dưới không nghe” đã bớt đi rất nhiều. Nói là bớt vì thực tế thành phố vẫn còn những vụ việc gây bức xúc dư luận ngay trong Năm kỷ cương hành chính 2017 như vụ chậm cấp giấy chứng tử ở phường Văn Miếu, quận Đống Đa.

“Trên nóng, dưới cũng nóng ngay” thì quá tốt nhưng với sức ỳ quá lớn, cỗ máy hành chính không dễ gì tăng tốc chỉ trong khoảng thời gian ngắn. Cần thời gian đáng kể để mỗi cán bộ, công chức dần thay đổi nhận thức, biết rõ về vị trí công việc của mình, đặc biệt là về tuyên ngôn: “Một Chính phủ hành động, kiến tạo và phục vụ, hướng tới doanh nghiệp và người dân”. Dù vậy, thời gian này là hữu hạn. Nếu ai đó vẫn không chịu tiến bộ, cứ “lạnh” mãi, họ sẽ trở thành... cục đá và chắc chắn sẽ tự tan chảy hoặc bị bộ máy loại bỏ trên đường đi của nó.