Đừng tự biến mình thành tội phạm

ANTĐ - Mỗi hoàn cảnh, số phận đề cập trong bài đều là những câu chuyện có thật. Điều đáng chua xót ở đây, là người mang trọng tội không phải kẻ côn đồ, hay bản chất vốn lưu manh mà lại là những người dân chất phác, từng là bị hại, sa vào tội lỗi chỉ vì cả giận mất khôn.

Chì vì một phút “cả giận” Hoàng Văn Lý hối hận cả đời

Hối lỗi muộn màng

Một ngày đầu tháng 10-2012, người dân xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội bàng hoàng trước tin ông Trần Văn Mừng bị đâm chết tại nhà riêng. Khi nội dung sự việc chưa được làm sáng tỏ, nhiều người đã đoán già đoán non rằng nạn nhân có thể đã gặp cướp. Giả định này không phải không có cơ sở, bởi nhà ông Mừng có điều kiện kinh tế khá giả, nằm sát mặt đường, dễ dàng cho kẻ gian nhòm ngó, gây án rồi tẩu thoát… Tuy nhiên khi sự thật được làm sáng tỏ, thêm một lần nữa người dân địa phương sững sờ, bán tín bán nghi bởi kẻ giết người là Hoàng Văn Lý - một lão nông ở cạnh nhà nạn nhân, xưa nay chỉ biết cày cục làm lụng, chưa to tiếng với ai bao giờ.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh của Hoàng Văn Lý khi được cán bộ điều tra dẫn giải đến buồng hỏi cung. Dáng đi xiêu vẹo như tô đậm thêm nét khắc khổ của người đàn ông ở độ tuổi ngũ tuần mang trọng tội. Sự tương phản của chiếc áo thể thao sáng màu với nước da đen sạm vì sương gió cũng giống như những suy nghĩ đối nghịch được nghi phạm giải trình. Kẻ giết người kể lại quá trình gây án mà khóe miệng run run, chốc lát lại ngước mắt nhìn quanh như mong muốn tìm sự thông cảm.

 Sự việc khởi nguồn từ đầu năm 2012, khi một số người ở xã Thọ Xuân, trong đó có Hoàng Văn Lý rủ nhau chơi hụi. Hàng tháng, ông Lý đều dành dụm một phần trong số tiền đi đóng gạch thuê để đưa cho chủ hụi là Trần Văn Ảnh (con trai ông Mừng). Tuy nhiên, đến thời điểm Hoàng Văn Lý được lấy hụi thì Ảnh chỉ trả một phần trong tổng số 12 triệu đồng mà lẽ ra người chơi được nhận. Thấy Ảnh hứa hẹn nhiều lần những vẫn chây ỳ, lần lữa nên tối 7-10, Hoàng Xuân Lý đã bảo vợ sang nhà hàng xóm đòi tiền. Chỉ sau vài phút từ lúc vợ bước chân ra khỏi nhà, ông Lý nghe thấy tiếng cãi vã phát ra từ phía nhà Ảnh nên vội cầm dao chạy sang.

Lúc này, ông Trần Văn Mừng thấy con trai bị thúc nợ đã to tiếng với Hoàng Xuân Lý. Bị thách thức, đe dọa quỵt nợ nên tiếc của, người đàn ông sẵn hung khí trong tay đã đâm 1 nhát trúng tim hàng xóm. “Cũng tại ấm ức quá,  chúng tôi biết nhau từ nhỏ, còn là họ hàng, nào ai muốn vì vài triệu mà dẫn đến cơ sự này” - Lý chua xót thanh minh, thừa nhận đã quá muộn.

Bản án khó tuyên

Khoảng 2 năm về trước, bà Nguyễn Thị Kim Oanh (SN 1959), trú tại Hoa Vôi, Quốc Oai, Hà Nội có vay của vợ chồng anh Lê Đức Trung, Nguyễn Thị Hằng (ở cùng thôn) 50 triệu đồng, hẹn ngày 19-12-2011 sẽ hoàn trả. Một phần số tiền trên do anh Trung vay của người quen, trong đó có Nguyễn Tiến Tài, ở thị trấn Quốc Oai. Đến cuối năm 2011, thấy người vay không trả tiền như đã cam kết trong giấy nhận nợ nên anh Trung đã gọi điện rủ Tài đến nhà bà Oanh bắt nợ.

Tại đây, Tài đã cầm cốc uống nước bằng sứ đập xuống nền nhà để uy hiếp bà Oanh. Khi một thanh niên có mặt ở đó định can ngăn thì Tài đã cầm chùm chìa khóa, trong đó có bấm móng tay đe dọa. Trong lúc Trung lúc giằng co, dùng tay đánh vào mặt bà Oanh thì Tài và Hằng đã cùng nhau khênh một số tài sản của gia đình con nợ lên xe cải tiến. Em gái của Hằng là Nguyễn Thị Nụ khi đi qua đây, phát hiện sự việc đã vào giúp chị đưa tài sản lên xe. Toàn bộ số tài sản đã nhóm của Trung chiếm đoạt và đang chiếm đoạt nhưng bị phát hiện, ngăn chặn trị giá hơn 21 triệu đồng (gồm tủ lạnh, bếp gas, máy giặt đã qua sử dụng). Ngay sau khi bà Oanh viết đơn trình báo, các đối tượng đã bị bắt về tội “Cướp tài sản”.

Thông thường, các vụ án cướp tài sản đều khiến dư luận phẫn nộ bởi hành vi, động cơ của kẻ gây tội. Nhưng trong vụ án này, khi phiên xét xử sắp diễn ra thì cơ quan chức năng liên tục nhận được nhiều đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị can của nhân dân, các ban, ngành, tổ chức chính trị địa phương và của cả bị hại - bà Nguyễn Thị Kim Oanh. Bởi sau khi viết đơn tố cáo, bà Oanh nhận thấy bản án về hành vi “Cướp tài sản” dành cho vợ chồng Trung - Hằng là quá lớn, các bị can thực hiện theo thỏa thuận miệng giữa hai bên nên bị hại một lần nữa viết đơn nhưng để đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho các bị can. “Số tài sản tôi mua cũng bằng một phần tiền của vợ chồng anh Trung, vì hoàn cảnh khó khăn nên tôi không trả tiền đúng hẹn. Vợ chồng anh Trung bức xúc không lấy được tiền nên lấy tài sản là đúng… đề nghị miễn trách nhiệm hình sự hoàn toàn đối với anh Lê Đức Trung, Nguyễn Thu Hằng, Nguyễn Trí Tài” - bà Oanh viết trong đơn đã được chính quyền địa phương xác nhận. 

Cùng thời điểm này, đại diện Mặt trận tổ quốc, Chi hội phụ nữ, Trưởng thôn và hàng chục hộ dân ở thôn Hoa Vôi đồng loạt ký tên vào đơn gửi các cơ quan có thẩm quyền huyện Quốc Oai và thành phố Hà Nội cùng có chung nhận xét: “Các bị can đều là những người lương thiện, hiền lành, chất phác, là con trong gia đình chính sách, có công với Tổ quốc. Do không hiểu biết pháp luật, không nhận thức được hành vi của mình nên đã cấu thành tội cướp tài sản (tội đặc biệt nghiêm trọng) nên đề nghị cơ quan tố tụng xem xét để có bản án thấu tình đạt lý”.

Bên cạnh đó, đơn thư cũng phản ánh “bà Oanh nợ rất nhiều người, số tiền lên đến hàng tỷ đồng, làm nhiều người dân lâm vào hoàn cảnh khó khăn, gây bức xúc dư luận”. Qua tiếp nhận, nắm bắt thông tin, công văn của UBND huyện Quốc Oai gửi TAND và VKSND các cấp cũng đề nghị: “Hoàn toàn nhất trí với việc đưa ra xét xử vụ án nêu trên để đảm bảo sự nghiêm minh pháp luật, tuy nhiên vụ án này có những đặc điểm và nhiều tình tiết khác những vụ cướp tài sản thông thường. Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng có bản ản thấu tình đạt lý, tránh làm phát sinh mâu thuẫn”.

Theo một cán bộ tòa án, rõ ràng các bị can trong vụ án này khác với đối tượng bị truy tố cùng vì tội danh ở điểm không che giấu mục đích, có động cơ rõ ràng. “Giờ đây, cơ quan tố tụng đã hoàn tất cả thủ tục cần thiết để đưa vụ án ra xét xử nhưng áp dụng theo đúng khung hình phạt đối với tội danh, hay cân nhắc để có một bản án thấu tình, đạt lý thì vẫn còn nhiều điều phải xem xét” - vị cán bộ này nói.

Tỉnh táo để tránh rơi vào vòng lao lý

Đó là cảnh báo được đại diện Tòa án nhân dân huyện Quốc Oai đưa ra trong trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều các vụ đòi nợ theo kiểu tự phát. Theo quy định, vay nợ là giao dịch dân sự nên khi không đòi được tài sản, người cho vay cần làm đơn khởi kiện ra tòa để đề nghị giải quyết, buộc bên vay trả nợ. Tuy nhiên, nhiều trường hợp do không am hiểu pháp luật nên người cho vay từ chỗ là bị hại, đã trở thành bị can bị truy tố về các hành vi khác nhau như chiếm đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật hoặc nghiêm trọng hơn là cướp tài sản. Người có tài sản cho vay cũng cần đặc biệt lưu ý là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, không ít đối tượng đã “cài bẫy” người đòi nợ bằng cách để họ thực hiện hành vi có đủ yếu tố để cấu thành tội phạm, sau đó lấy cớ này để thương lượng hòng giãn nợ, xóa nợ hoặc đưa người cho vay vào vòng lao lý.