Thế giới một tuần nhìn lại

Đứng trước biến động

(ANTĐ) - An ninh lương thực, chính sách tiền tệ, ứng viên Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF và vấn đề Biển Đông là 4 thể tài chiếm lĩnh tuần qua.
Và đây cũng là một tuần, báo chí khu vực và thế giới tiếp tục quan tâm tới diễn biến Biển Đông với những giải pháp làm dịu tình hình.
Đứng trước biến động ảnh 1
Tổng thống Indonesia - đương kim Chủ tịch ASEAN trước cử tọa tại Nhật, khẳng định không né tránh đối thoại về Biển Đông
Một trong những vấn đề lớn được quan tâm tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Đông Á tuần qua là sự hợp tác đảm bảo an ninh lương thực bền vững. Trên 600 đại biểu là lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, quan chức cấp cao các nước, các nhà hoạch định chính sách kinh doanh, các đại diện tổ chức dân sự - xã hội khu vực và quốc tế, các Viện sỹ hàn lâm và quản lý doanh nghiệp lớn, WEF Đông Á lần thứ 20 với chủ đề “Đứng trước phát triển toàn cầu mới” đã tập trung thảo luận khoảng 25 vấn đề chính yếu trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội. Trong số những vấn đề này, an ninh lương thực được đẩy lên làm trọng tâm. Tại WEF, mô hình “Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” triển khai ở Việt Nam, với cách phối hợp hiệu quả giữa quản lý Nhà nước và điều hành thị trường sau 1 năm thực hiện đã được các đại biểu quốc tế đánh giá cao. WEF diễn ra giữa bối cảnh châu Á thực sự đau đầu với bài toán giảm lạm phát của các Chính phủ, trong đó có cả Việt Nam chúng ta. Bởi vậy, WEF cũng rất chú ý tới chủ đề “Biến động tiền tệ: Cân bằng linh hoạt và ổn định”. Nhiều chuyên gia tài chính quốc tế và khu vực nhận định, tình trạng bất ổn định về tiền tệ tiếp tục là một thách thức lớn tại hầu hết các quốc gia châu Á, nếu như Chính phủ các nước này muốn duy trì mức tăng trưởng kinh tế cao. Do vậy, các nhà hoạch định chính sách ở châu Á cần phải linh hoạt trong điều hành tiền tệ và triển khai quyết sách với sự phối hợp đồng bộ. Câu chuyện về chiếc ghế nóng điều hành IMF vẫn chưa ngã ngũ tuần qua. Liên quan đến chuyện nhân sự của thể chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới này, 2 gương mặt sáng giá đang đua tranh hết cỡ là: Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico Agustin Carstens. Quyết định cuối cùng sẽ có vào ngày 30-6 tới. Hãy chờ xem! Về vấn đề Biển Đông, những nỗ lực tạo cơ chế đối thoại giữa các bên có tranh chấp vẫn đang tiếp tục rộng mở. Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono cho biết sẽ đưa vấn đề tranh chấp trên Biển Đông ra thảo luận tại Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) tới nhằm tìm ra cách thức giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay. Trả lời phỏng vấn báo Nikkei của Nhật Bản khi đang ở thăm Tokyo, Tổng thống Yudhoyono cho biết Indonesia với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2011 mong muốn thảo luận với Mỹ và Nga tại Hội nghị EAS về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN. Phát biểu tại Học viện Nghiên cứu chính sách ở Tokyo, ông Yudhoyono nhận định rằng Đông Nam Á hiện nay là khu vực đang có những mối quan hệ biến động và không có nước nào có quyền lực áp đảo. Ông cũng cho rằng nên giải quyết các tranh chấp trong khu vực bằng hòa bình, sử dụng phương pháp ngoại giao và đối thoại thay cho các biện pháp vũ lực nhằm đảm bảo an ninh, ổn định và phồn vinh trong khu vực.