Chuyện kể của lính trại giam:

Dùng tình người cảm hóa can phạm

ANTĐ - “Chuyện của cánh lính trại giam chúng em thì chẳng có gì để viết, suốt ngày quanh quẩn chỉ có phạm nhân với cán bộ thôi mà”- Thiếu úy Nguyễn Mạnh Dũng, cán bộ Đội Cảnh sát bảo vệ (CSBV) Trại giam số 2 (CAHN) ngượng ngùng khi tôi đề nghị hẹn gặp. Ấy thế nhưng khi tiếp xúc, câu chuyện nghề cứ nở như ngô rang…

Thiếu úy Nguyễn Mạnh Dũng (trái) trao đổi công việc với đồng đội

Được đề xuất là một trong số những gương điển hình người tốt việc tốt của thanh niên CATP, chắc hẳn người lính trẻ này sẽ có nhiều chuyện để kể về thành tích - tôi cứ đinh ninh như vậy. Nhưng Dũng bảo: “Em mới ra trường chưa lâu, thành tích là của tập thể… Thôi, mình nói chuyện khác đi”.

Dũng ít nói, vẻ mặt và cách nói chuyện cũng có vẻ “cứng” hơn so với cái tuổi ngoài 20. Cái cơ duyên của anh khi đến với nghề cũng như tiền định. “Nhà em chẳng có ai theo ngành Công an cả. Lúc quyết định theo nghiệp này nhiều người cũng khuyên can vì sợ làm công an vất vả. Nhưng có lẽ em thích hình ảnh người chiến sỹ bắt tội phạm từ những bộ phim được xem hồi bé. Thế nên, vào ngành cũng như một cái duyên” – Dũng bắt đầu nhớ lại những bước đi từ ngày đầu anh mới bước chân vào nghề.

Nhưng cuộc sống không như những ước mơ con trẻ. Làm cảnh sát, mà lại là CSBV trại giam thì khác hẳn với những hình dung về một chiến sỹ công an truy bắt tội phạm đầy kịch tính trên phim ảnh. Em bắt đầu bằng những tháng ngày làm chiến sỹ nghĩa vụ tại nhà tạm giữ của Công an quận Hoàng Mai. Rồi sau đó đi học Trung học CSND 1 chuyên ngành trại giam. Ra trường thì về Trại giam số 2 công tác. Công việc nào cũng có những niềm vui của nó. Em còn trẻ, chưa có gia đình nên có nhiều thời gian tập trung cho công việc.

Nhiều người nghĩ, CSBV thì nhàn vì chỉ có ăn và gác, nhưng không phải. Nhiệm vụ của chúng em là phải bảo vệ an toàn tuyệt đối cho việc tạm giữ phạm nhân và dẫn giải họ tới các phiên tòa. Con người khi đã vướng vào lao lý thì thường có nguyên do bắt đầu từ những bi kịch trong cuộc sống. Phạm nhân cũng là người, nhiều khi phạm tội chỉ vì những sai lầm nhất thời đáng tiếc. Canh giữ họ đâu phải chỉ dựa vào nguyên tắc để chế áp mà cần phải hiểu và thông cảm với từng trường hợp.

Chính vì nghĩ thế mà bản thân Dũng và anh em trong đội vẫn có cách đối xử rất tình người với can phạm. Anh kể, tâm lý tội phạm khi bị bắt giam lâu ngày thường rất mong ngóng gặp người thân. Nhưng nhiều khi ra tòa thì can phạm lại sốc vì gia đình chẳng có ai thèm đến dự. Thường thì đó là những trường hợp có gia cảnh quá nghèo, quê lại xa, hoặc cũng có những người bị gia đình từ mặt. Anh bảo, nhìn họ cô đơn cũng thấy tội. Lắm lúc tòa xử cả ngày, anh em trong đội dẫn giải lại phải mua nước mua cơm rồi cho họ ăn cùng đợi phiên xử chiều. Những lúc ấy, đối tượng lại cảm thấy cán bộ gần gũi còn hơn người nhà. Và không ít trường hợp sau đó vì cảm phục đã tự khai thêm những mắt xích trong vụ án.

Nhưng cực nhất vẫn là những lúc can phạm bị ốm. Lúc ấy anh em trong đội lại phải cắt cử nhau đưa họ đi bệnh viện. Dũng nhớ lại: “Nhiều đối tượng bị nhiễm HIV và các bệnh nhiễm trùng có khi phải nằm viện cả tháng trời. Mình làm nhiệm vụ canh gác họ thì cũng phải kè kè bên cạnh 24/24 và chăm họ còn hơn chăm người nhà. Có trường hợp can phạm yếu quá, chúng em lại phải thay nhau cơm bưng nước rót hay đổ bô, thay ga chiếu… Có lẽ nếu kể rằng công an phải phục vụ phạm nhân như vậy chắc chẳng ai tin được. Nhưng đó là chuyện quá đỗi bình thường với CSBV chúng em”.

Dùng tình người đối xử với can phạm là cách tốt nhất để cảm hóa những người mắc lỗi. Một việc làm tốt còn ý nghĩa hơn nhiều những lời sáo rỗng - đó cũng là những kinh nghiệm mà chàng lính trẻ này đúc kết sau quãng thời gian gắn bó với nghề.