Dùng tiền thưởng lo tương lai

ANTĐ - Vất vả khổ luyện để có được những tấm huy chương cùng những khoản tiền thưởng nên các VĐV đều rất trân trọng. Người tính sửa nhà, gửi tiết kiệm, người lại dành dụm để đóng học phí hay lo cho các em ăn học… với mong muốn có một tương lai tốt cho bản thân, gia đình.

Phạm Thị Bình dùng tiền thưởng HCV SEA Games để nuôi em trai và nuôi bản thân học hết Đại học

Phần thưởng xứng đáng

Thành tích sáng chói ở các giải đấu quốc tế và đặc biệt tại SEA Games 27 vừa qua giúp nhiều VĐV đổi đời nhờ những khoản tiền thưởng. Ở kỳ SEA Games lần đầu tham dự, tay bơi Nguyễn Thị Ánh Viên đã xuất sắc giành 3HCV, 2HCĐ, 1HCĐ, phá 2 kỷ lục SEA Games. Theo mức thưởng của Nhà nước, Ánh Viên có trong tay 235 triệu đồng. Ngoài ra, cô còn nhận 28 triệu tiền thưởng “nóng”, 15 triệu tiền thưởng và 1 chiếc xe Vespa trị giá 80 triệu từ các nhà tài trợ dành cho VĐV xuất sắc nhất SEA Games. Chưa kể, trước SEA Games, Ánh Viên còn xuất sắc đoạt 3HCV, 1HCB tại Đại hội thể thao trẻ châu Á, 1HCV tại AIMAG 4 nên cô sẽ nhận thêm khoảng 300 triệu đồng. Cộng thêm tiền thưởng huy chương các giải quốc tế, trong nước khác, cô Thượng úy Quân đội 17 tuổi có gần 1 tỷ đồng tiền thưởng. 

2013 cũng là năm bội thu tiền thưởng với Hoàng Xuân Vinh (bắn súng) khi anh giành 1HCV Cúp thế giới, 2HCV SEA Games. Cùng với đó, nhiều VĐV lập cú đúp HCV SEA Games 27 như Vũ Thị Hương, Đỗ Thị Thảo, Nguyễn Văn Lai (điền kinh), Hoàng Ngân (karate)… chắc chắn có trong tay trên 100 triệu đồng tiền thưởng và nhiều khoản thưởng khác từ nhà tài trợ, đơn vị chủ quản.

Dù không dự SEA Games, nhưng với việc thi đấu tốt ở các giải thế giới, tay cờ Lê Quang Liêm ẵm gần 2 tỷ tiền thưởng. “Khủng” hơn là Nguyễn Tiến Minh, người dù thất bại tại SEA Games 27 nhưng cũng có gần 3 tỷ tiền lương thưởng nhờ thành tích thi đấu tốt tại các giải đấu lớn trong năm 2013. Các cầu thủ bóng đá nữ cũng sẽ có một cái Tết ấm cúng với gia đình, sau khi nhận mỗi người khoảng 150 triệu tiền thưởng từ tổng mức thưởng 3,3 tỷ đồng từ VFF và nhà tài trợ.


Vun vén tương lai

Đổ mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu mới có được những tấm huy chương, những khoản tiền thưởng nên hầu hết các VĐV đều rất trân trọng và dùng nó để lo cho gia đình và tương lai bản thân. Võ sỹ wushu Nguyễn Thị Chinh, người gây xúc động với hình ảnh miệng đầy máu vẫn kiên cường thi đấu, đoạt HCV hạng 48kg nữ, chia sẻ rằng một phần động lực để cô nén đau thi đấu chính là mong có tiền thưởng để biếu bố mẹ, sửa sang lại nhà cửa, đón một cái Tết ấm cúng, no đủ hơn. Một tấm lòng hiếu thảo khác là VĐV Dương Thị Việt Anh. Còn nhớ năm 2011, khi giành HCV SEA Games, Việt Anh đã giành hết số tiền để cất cho bố mẹ một ngôi nhà mới đón Tết. Năm nay, sau khi bảo vệ thành công ngôi vô địch, cô gái quê Bạc Liêu tiết lộ sẽ dùng số tiền thưởng HCV nhảy cao để sắm sửa thêm nội thất và nhờ bố mẹ giữ giùm sau làm… của hồi môn khi đi lấy chồng. Trong khi đó, người nhận nhiều tiền thưởng nhất SEA Games 27 - Nguyễn Thị Ánh Viên cho biết sẽ dùng tiền thưởng biếu bố mẹ một ít, còn lại cô gửi tiết kiệm để lo cho tương lai. 

Khác với các đồng nghiệp, nữ đô vật Nguyễn Thị Lụa chia sẻ sẽ dùng tiền thưởng để đóng học phí. Hiện cô gái quê Hà Nội đang theo học năm thứ 4 (hệ tích lũy) tại trường Đại học TDTT Từ Sơn (Bắc Ninh) và dự kiến một năm nữa sẽ có trong tay tấm bằng Đại học, làm hành trang bước vào đời sau khi chính thức giải nghệ. Một cái tên khác gây tiếng vang lớn tại SEA Games vừa qua là Phạm Thị Bình. Cô gái quê Quảng Ngãi đã gây xúc động mạnh khi thắng bệnh tim bẩm sinh, chạy chân trần để vô địch nội dung 42km marathon khắc nghiệt. Đáng khâm phục hơn khi nghe Bình tâm sự sẽ dùng số tiền thưởng để lo cho cậu em trai học Đại học. Bản thân cô cũng đang nỗ lực vừa thi đấu, vừa hoàn tất việc học tại Đại học TDTT Từ Sơn. Ước mơ của “nhà vô địch chân đất” là có kiến thức để sau này cuộc sống bớt khó nhọc.