Đừng tạo thêm sức ép

ANTĐ - Cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đến nay chưa có điểm dừng. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu lo ngại lãi suất cho vay sẽ tăng trong thời gian tới bởi đầu vào cao thì sớm muộn đầu ra cũng sẽ được đẩy lên tương ứng.

Lãi suất huy động tăng song đa số người gửi tiền không được hưởng lợi. Bởi vì, các mức lãi suất cao chỉ áp dụng cho những khoản gửi dài hạn và đối tượng là khách VIP với số tiền gửi từ 10 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng. Như vậy, chỉ có khách hàng “đại gia” mới có cơ hội hưởng mức lãi này.

Thật đúng là “nước chảy chỗ trũng”! Dưới con mắt của giới chuyên gia ngân hàng, hiện nay, có một số ngân hàng thương mại có dấu hiệu “lách luật” trong cuộc cạnh tranh hút vốn thông qua lãi suất cao ngất và các chương trình khuyến mãi lớn. Dù số người được hưởng ít nhưng số người bị “thiệt đơn, thiệt kép” lại là số đông. Trong đó, các doanh nghiệp, cá nhân đã và đang vay vốn ngân hàng sẽ phải gánh chi phí cao hơn.

Trong năm nay, sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa hàng nội và hàng ngoại khi nước ta bước sâu vào Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như các hiệp định thương mại song phương, đa phương, các doanh nghiệp bắt buộc phải tính toán, tìm mọi cách để giảm giá thành, nâng cao chất lượng để chống chọi với làn sóng hàng ngoại nhập.

Trong bối cảnh lãi suất huy động chưa có biểu hiện “hạ nhiệt”, rõ ràng, doanh nghiệp sẽ phải gánh thêm sức ép rất lớn trên đôi vai “gầy yếu”. Theo lý giải của lãnh đạo một số ngân hàng, sở dĩ mức lãi suất huy động bị đẩy lên cao và nhanh như vậy là do họ đang bị áp lực từ quy định giảm tỷ lệ vốn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 40% theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước.

Vì vậy, các ngân hàng thương mại buộc phải có những bước chuẩn bị để cân đối lại nguồn vốn của mình. Khi được đưa ra lấy ý kiến, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 đã gây ra cuộc tranh cãi “nảy lửa” nhưng chỉ xoay quanh tác động đến thị trường bất động sản, chứ không đả động tới giới doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.

Trước “cơn sóng” tăng lãi suất huy động ngày càng lan rộng, Ngân hàng Nhà nước đã “thổi còi”, yêu cầu các ngân hàng dừng chạy đua tăng lãi suất và phải đảm bảo những quy định. Không ít các chuyên gia đưa ra dự báo, từ nay đến cuối năm, lãi suất cho vay có khả năng tăng tối thiểu 1%.

Chính vì vậy, rất cần bàn tay điều hành của Ngân hàng Nhà nước để chặn cuộc chạy đua lãi suất huy động kéo theo nguy cơ tăng lãi vay, có thể gây tác động tiêu cực tới năng lực cạnh tranh của giới doanh nghiệp trong nước.