Đừng tan theo khói thuốc

ANTĐ - Khói thuốc lá chứa đến 7.000 hóa chất, hơn 50 chất gây ung thư và các chất độc hại. Số người chết vì thuốc lá chỉ đứng sau tai nạn giao thông. Hàng tỷ người đang phải sống chung với mối nguy hại đó, thế nên chỉ 1 “Ngày thế giới không khói thuốc” liệu có đủ?

Những năm gần đây, Nhà nước đã tăng cường các biện pháp hạn chế và giám sát nghiêm ngặt việc kinh doanh thuốc lá, nhất là tình trạng nhập lậu thuốc lá ở các điểm nóng dọc tuyến biên giới Tây Nam; đồng thời siết chặt quy định cấm hút thuốc lá trong các cơ quan, công sở, bệnh viện và nơi công cộng như nhà ga, bến tàu xe.

Tuy nhiên, tới thời điểm này, thuốc lá nhập lậu vẫn tràn lan, còn những chế tài xử phạt người vi phạm hút thuốc nơi công cộng dường như theo... khói thuốc bay đi. Chưa thấy có trường hợp nào bị xử phạt để “đánh động” dư luận, làm gương cảnh báo. Tình trạng hút thuốc thụ động đang diễn ra mọi nơi, mọi lúc, trong đó có cả người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, bệnh nhân trong bệnh viện…

Người hít phải khói thuốc tức là hút thuốc thụ động bị ảnh hưởng nặng hơn so với người hút chủ động bởi khói từ điều thuốc tỏa ra chứa các chất độc hại cao hơn. Với người lớn, hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, động mạch vành. Ở phụ nữ mang thai, khói thuốc làm tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân. Còn trẻ em, hút thuốc thụ động có khả năng gây viêm đường hô hấp, hen suyễn, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.

Thật đáng sợ khi bắt hàng triệu người dân phải chung sống với khói thuốc. Thế nhưng, để hạn chế tác hại của hút thuốc lá thụ động, không thể chỉ dùng những lời nói suông đòi hỏi ý thức tự giác của người hút thuốc mà cần phải thực thi các chế tài xử phạt “hà khắc” lên tới hàng trăm USD như một số nước trong khu vực đã áp dụng với những người hút thuốc lá nơi công cộng.  Nếu không làm được điều này, chắc chắn khẩu hiệu “Nói không với thuốc lá” hay “Một ngày không khói thuốc” sẽ tan theo khói thuốc.