Dùng súng giả cướp tài sản có bị coi là sử dụng vũ khí?

ANTĐ - Chiều 20-4, ông Hồng (48 tuổi) đi công việc về dừng ôtô 7 chỗ bên lề đường Trần Văn Trà (phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM). Một lúc sau hai người đàn ông đi xe máy, dừng trước đầu xe ôtô của ông Hồng. Một đối tượng móc khẩu súng màu đen tiến sát lại ôtô, yêu cầu ông xuống xe nếu không sẽ bắn chết. Nghi ngờ đây là súng giả, ông Hồng bất ngờ chụp lấy khẩu súng khi vừa bước xuống xe. Hai bên xảy ra giằng co, đối tượng còn lại xông vào đánh lái xe để giải cứu đồng phạm. 

Nghe tiếng tri hô của ông Hồng, nhiều người chạy đến cùng lực lượng bảo vệ khu Phú Mỹ Hưng khống chế hai đối tượng bàn giao cho Công an quận 7, TP.HCM. Tại cơ quan công an, các đối tượng được làm rõ là Guo Chang Ming (33 tuổi) và Chen Zhi Hua (23 tuổi), quốc tịch Trung Quốc.  Cảnh sát thu giữ dao bấm, tuýp sắt, xác định khẩu súng Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua sử dụng là giả. Bước đầu, hai đối tượng người Trung Quốc này khai nhập cảnh vào Việt Nam trái phép. Họ sắm súng nhựa và hung khí khác với mục đích cướp xe ôtô để đi lại và làm chỗ ăn nghỉ.

Vấn đề đặt ra ở đây là việc Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua sử dụng khẩu súng giả để đe dọa cướp có bị coi là dùng vũ lực, khẩu súng giả có bị coi là hung khí?

Dùng súng giả cướp tài sản có bị coi là sử dụng vũ khí? ảnh 1Ảnh: Internet

Ý kiến bạn đọc

Không phải là hành vi dùng vũ lực

Theo quan điểm của tôi, trên thực tế súng giả xét về mức độ nguy hiểm hoàn toàn khác so với súng thật. Trong trường hợp này, khi dùng súng giả để thực hiện hành vi đe dọa cướp tài sản, hai đối tượng biết rõ súng không gây nguy hiểm cho nạn nhân được. Như vậy, người thực hiện hành vi biết rõ mình không thể dùng vũ lực và cũng không có ý định dùng vũ lực mà chỉ làm cho nạn nhân lầm tưởng là mình sẽ dùng vũ lực. Do đó, hành vi của Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua không phải là dùng vũ lực khiến cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Trên thực tế, ông Hồng cũng đoán đó không phải là súng thật nên đã có hành động chụp lấy khẩu súng rồi tiếp tục chống cự lại. Như vậy hành vi của Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua không phạm phải tội cướp tài sản.

Lê Quang Tùng (TP Móng Cái - Quảng Ninh)

Dùng súng giả vẫn cấu thành tội cướp tài sản

Đặc trưng của tội cướp tài sản là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong vụ việc nói trên, các đối tượng Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua dùng súng giả hay dùng súng thật, về cơ bản, không phải là yếu tố chính trong việc xác định tội danh mà nó chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt. Hai đối tượng trên đã dùng thủ đoạn nguy hiểm là sử dụng súng giả nhằm làm cho nạn nhân cảm thấy sợ hãi, lo lắng cho tính mạng của mình với một thứ vũ khí mà trong đầu họ nghĩ là nguy hiểm thật nên buộc phải để chúng lấy tài sản mà không có sự chống cự nào. Do đó, trong trường hợp này, dù súng thật hay súng giả, thì hành vi đó vẫn cấu thành tội cướp tài sản.

Vũ Thuý Hải (Thiên Cầm - Hà Tĩnh)

Súng giả cũng bị coi là vũ khí

Có thể thấy, mặc dù sử dụng súng giả để thực hiện hành vi cướp nhưng tính nguy hiểm của thủ đoạn mà Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua không phụ thuộc vào phương tiện mà phụ thuộc vào phương pháp sử dụng của hai đối tượng này. Có thể khẩu súng giả bản thân không chứa đựng khả năng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của nạn nhân nhưng cách mà các đối tượng này sử dụng đã thể hiện sự nguy hiểm đối với người bị hại. Ở đây, Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua dùng súng giả nhưng đã tác động vào ý chí nạn nhân, làm tê liệt sự phản kháng của họ tương tự như với một khẩu súng thật. Do đó, cần phải coi khẩu súng giả mà các đối tượng này sử dụng để cướp tài sản của ông Hồng là vũ khí trong quá trình định tội.

Đoàn Hồng Hà (Việt Trì - Phú Thọ)

Bình luận của luật sư 

Căn cứ vào những thông tin trong vụ việc có thể thấy hành vi của Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua đã cấu thành tội cướp tài sản theo Điều 133, Bộ luật Hình sự. Điều 133, Bộ luật Hình sự quy định: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm…”. Như vậy, ta có thể thấy dấu hiệu pháp lý của tội cướp tài sản là dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản…

Trước tiên, ta cần khẳng định Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua là đồng phạm của nhau thể hiện rất rõ ở việc các đối tượng này đã có hoạt động phối hợp, thống nhất với nhau, cả hai cùng có ý định chiếm đoạt tài sản và để thực hiện việc chiếm đoạt đó một cách thuận lợi bằng cách chúng cùng nhau tìm mua súng giả và các hung khí khác. Ở đây cả hai đối tượng đều đủ điều kiện để nhận thức được những hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, hành vi đó sẽ xâm hại đến quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản. 

Để lý giải một cách rõ ràng tại sao hành vi của Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua lại cấu thành tội cướp tài sản ta cần xem xét các yếu tố sau:

Về khách thể, hành vi cướp tài sản xâm hại đồng thời hai quan hệ xã hội được Bộ luật Hình sự bảo vệ. Đó là quan hệ nhân thân và quan hệ sở hữu. Bằng hành vi phạm tội của mình, người phạm tội cướp tài sản xâm phạm trước hết đến thân thể, đến tự do của con người để qua đó có thể xâm phạm được sở hữu. Với tình huống cụ thể này, Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua đã có hành vi đe dọa đến tính mạng của ông Hồng để từ đó xâm phạm đến sự sở hữu của ông Hồng là chiếc xe ôtô.  

Việc hai đối tượng Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua đã có hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc với ông Hồng (hành vi đe doạ dùng vũ lực ngay tức khắc là hành vi dùng lời nói hoặc hành động nhằm đe doạ người bị hại nếu không đưa tài sản hoặc có hành động ngăn chặn chúng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của mình thì vũ lực sẽ được thực hiện ngay), mà cụ thể là yêu cầu ông Hồng xuống xe nếu không sẽ bắn chết.

Trong trường hợp này, vì vũ lực chưa xảy ra nên việc đánh giá người phạm tội có dùng vũ lực hay không là một vấn đề phức tạp, để xem xét vấn đề này chúng ta cần căn cứ vào những tình tiết như: nội dung và hình thức của hành vi đe dọa, tương quan lực lượng giữa bên bên đe dọa và bên bị đe dọa, hoàn cảnh không gian và thời gian... Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua đã có hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc để nhằm dễ dàng chiếm đoạt tài sản của ông Hồng. Dấu hiệu ngay tức khắc chỉ đòi hỏi người phạm tội đã có hành vi, cử chỉ, thái độ thể hiện ra bên ngoài là sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc mà không đòi hỏi họ thực sự có ý định sẽ dùng vũ lực ngay tức khắc cũng như phải có đủ điều kiện để dùng vũ lực ngay tức khắc. Đương nhiên, với súng giả trong tay, nhìn về mặt thực tế các đối tượng không thể dùng nó để gây ra nguy hiểm cho nạn nhân nhưng vẫn bị coi là cướp tài sản.

Về mặt chủ quan, cả Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua khi đe dọa ông Hồng đều nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra (Theo Điều 9, Bộ luật Hình sự). Cả Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua đã có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác nên mới đi tìm mua súng, chứng tỏ hai đối tượng đã có lý trí để suy xét mức độ nguy hiểm của hành vi của mình và cũng thấy trước được hậu quả khi thực hiện hành vi đó. Về mặt ý chí, Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua mong muốn có hậu quả phát sinh, đó là đè bẹp được sự kháng cự của người bị tấn công, để có thể thực hiện được mục đích chiếm đoạt tài sản của nạn nhân. Hành vi của Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua đã có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2, Điều 133 Bộ luật Hình sự:

“2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:

a) Có tổ chức;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác”.

Với tình tiết của tình huống, ta có thể dễ dàng nhận thấy sự cấu kết chặt chẽ của Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua trong hành động từ khi cùng có ý định chiếm đoạt tài sản của người khác, cùng nhau đi mua súng giả cho đến khi thật sự thực hiện được tội phạm. Kết luận lại, theo những căn cứ trên, hành vi của Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua đã cấu thành tội cướp tài sản với tình tiết tăng nặng tại điểm d, khoản 2, Điều 133, Bộ luật Hình sự, vậy hành vi của hai thanh niên trong vụ án này phải chịu thuộc khung hình phạt có tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2, Điều 133 với khung hình phạt từ 7 năm đến 15 năm tù giam.

Về việc khẩu súng giả trong vụ án này có bị coi là vũ khí? Nếu trong trường hợp này, khẩu súng mà Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua sử dụng là súng thật thì đương nhiên hành vi phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d, khoản 2, Điều 133 thuộc trường hợp “sử dụng vũ khí”. Tuy nhiên do khẩu súng mà Guo Chang Ming và Chen Zhi Hua đã sử dụng để uy hiếp nạn nhân là súng giả nên không sử dụng tình tiết “sử dụng vũ khí” làm tình tiết định khung cho hành vi, vì súng giả không được coi là vũ khí. Tuy nhiên, trong vụ án này do không có điều kiện sử dụng vũ lực ngay vì đây chỉ là súng giả, nhưng với hành vi đe dọa của cả hai làm cho người bị hại không dám chống cự lại. Như vậy, hành vi của hai người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d, khoản 2, Điều 133 nhưng thuộc trường hợp sử dụng thủ đoạn nguy hiểm khác...