Dùng Quỹ bình ổn để giữ giá xăng, dầu

(ANTĐ) - Theo thông tin từ Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được “xả” 1/3 để giảm bớt áp lực cho các doanh nghiệp (hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến tháng 3 đã có 1.500 tỷ đồng). 

Dùng Quỹ bình ổn để giữ giá xăng, dầu

(ANTĐ) - Theo thông tin từ Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, Quỹ bình ổn giá xăng dầu sẽ được “xả” 1/3 để giảm bớt áp lực cho các doanh nghiệp (hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu tính đến tháng 3 đã có 1.500 tỷ đồng). 

Việc trích sử dụng Quỹ bình ổn sẽ làm giảm áp lực tăng giá xăng, dầu

Việc trích sử dụng Quỹ bình ổn sẽ làm giảm áp lực tăng giá xăng, dầu

Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính dự kiến 2 phương án là chỉ xả quỹ để bù lỗ và vẫn giữ giá bán lẻ hiện hành, hoặc vừa tăng giá ở mức độ nhất định, vừa xả quỹ để bù đắp một phần lỗ như Thông tư 159 quy định. Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới vẫn tăng mạnh lên tới ngưỡng 90 USD/thùng (giá bình quân 30 ngày), có thể việc “neo giá” sẽ được rút lại và không loại trừ khả năng vừa cho tăng giá vừa xả quỹ bình ổn.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Hiện giá xăng dầu trên thị trường thế giới không có biến động lớn, thậm chí có thời điểm giá còn giảm nhẹ. Như vậy, việc quyết định trích sử dụng Quỹ bình ổn chỉ là động tác “an lòng dân”. Tại cuộc tọa đàm trực tuyến tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ về hoạt động quản lý kinh doanh xăng, dầu vừa được tổ chức, đại diện Bộ Tài chính và Bộ Công Thương cho biết Quỹ bình ổn sẽ được sử dụng khi giá xăng, dầu cơ sở tăng mạnh, tạo biến động giá lớn và gây bất ổn cho đời sống xã hội. Như vậy, có thể thấy quyết định này và ý kiến của đại diện các Bộ tại cuộc tọa đàm trực tuyến về giá xăng dầu vừa qua là tiền hậu bất nhất”.

Ông Long cho biết, hiện nhiều nước cũng có Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng theo nguyên tắc việc trích quỹ này được lấy từ một phần lợi nhuận của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Còn ở Việt Nam, việc trích quỹ được lấy từ túi của người tiêu dùng. Khi sử dụng quỹ, doanh nghiệp sẽ không phải tăng giá xăng mà vẫn có lợi nhuận, còn người tiêu dùng vẫn phải dùng với giá đó trong khi là người trực tiếp đóng quỹ, điều này là không công bằng.

Theo yêu cầu của Bộ Tài chính (Thông báo số 3500/BTC-QLG ngày 22-3-2010) trước mắt các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chưa tăng giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới và áp dụng các biện pháp tiết giảm chi phí lưu thông, bảo đảm đủ hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Trong trường hợp giá mặt hàng xăng dầu trên thị trường thế giới tiếp tục tăng và việc kéo dài thời gian giữa 2 lần điều chỉnh tăng giá xăng làm ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thì các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối có báo cáo đề xuất phương án xử lý gửi Liên Bộ Tài chính - Công Thương để xem xét, có ý kiến trước khi thực hiện.

Ngay khi Thông báo trên được đưa ra, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã liên tiếp đề nghị Cục Quản lý giá có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế nhập khẩu xăng dầu hoặc trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Nhưng việc giảm thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng, dầu phải theo khung do Bộ Tài chính đã ban hành (Công văn số 837 ngày 19-1-2010). Trong khi giá dầu 86-88USD/thùng giá bình quân 30 ngày như hiện nay, thuế nhập khẩu xăng dầu vẫn phải giữ như hiện hành. Theo phản ánh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối với mức giá bán lẻ như hiện hành các doanh nghiệp đang lỗ bình quân từ 500 - 800 đồng/lít xăng dầu. Vì vậy, để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp này, hướng giải quyết mà Cục Quản lý giá đưa ra là trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu thay cho việc giảm thuế. 

Hùng Anh