Đừng quát tháo con, áp đặt khi dạy bảo con

ANTĐ - Nếu chỉ nếu giới hạn như một mệnh lệnh cho trẻ đã lớn, sẽ khó có kết quả. Cái khó của cha mẹ là phải ráng kiềm chế khi con không nghe lời hay khi phạm sai trái. Nổi cáu, quát thao, đánh đập trừng phạt có thể khiến bé phải theo ý bạn, nhưng đó là do sợ hãi.

Có những bà mẹ than phiền con mình khi 7-8 tuổi, khó dạy, bướng bỉnh.

Chị Vĩnh (giáo viên ở Quảng An) bằng kinh nghiệm bản thân, lại cho rằng con bướng có phần do cha mẹ dùng cách "áp chế, cưỡng bức" chứ không gợi mở sự đồng thuận cho bé. Trong nhà, người hay ra lệnh cho con là anh Bảo, chồng chị. Có lần cu Tý mải chơi trò xếp hình với bạn hàng xóm, không chịu ăn cơm chiều. Anh Bảo quát, Tý giả vờ như không nghe thấy. Cuối cùng thì Tý vẫn phải vào bữa khi anh Bảo kéo tai, lôi Tý vào nhà. Không cưỡng lại được, Tý khóc khóc mếu mếu và vẫn không chịu ăn. Chị Vĩnh bảo chồng ăn trước để mình cho Tý đi rửa mặt. Khi chỉ có hai mẹ con, chị Vĩnh mới nhẹ nhàng nói rằng, cha mẹ muốn cùng ăn với con và cả nhà cùng ăn sẽ tiện cho mẹ dọn dẹp. Chị Vĩnh cũng mở lời rằng sau giờ ăn, Tý vẫn còn giờ chơi tiếp với bạn. Tuy chưa hết ấm ức, Tý đã chịu nghe lời mẹ.

Theo chị Vĩnh, cu Tý 8 tuổi học lớp 3, đã có nhiều việc em muốn làm theo ý của mình, khác hẳn các em cùng lứa tuổi. Cái khó là về nhận thức, các em 7-8 tuổi chưa biết sự phải trái như các em 10-12 tuổi. Theo chị Vĩnh, cần uốn nắn bé từ 4-5 tuổi, vì lứa tuổi này, các em dễ chấp nhận, dễ vâng lời, một khi người lớn dịu dàng và kiên nhẫn. Bé 7-8 tuổi phải được cha mẹ giải thích kỹ cho biết những gì được chơi và điều gì phải vâng lời, tức là đưa ra những giới hạn, có tính "nguyên tắc". Ví dụ gặp người lớn phải lễ phép chào. Chơi với bạn không văng tục, chửi thề. Cha mẹ gọi, hỏi phải tới ngay và lắng nghe lời cha mẹ v.v... Rèn trẻ từ lời ăn tiếng nói là rất cần thiết và phải thực hiện ngay khi trẻ biết nói. Ngay cả việc xem truyền hình, chơi điện tử... cũng phải có giới hạn nội dung và thì giờ cho các bé.

Theo một số nhà xã hội học thì trẻ em hình thành nhân cách từ khi chúng 5-6 tuổi. Cha mẹ phải dầy công chăm lo từng chút cho đứa trẻ. Các con được làm gì và điều gì không được, nên nói rõ, giải thích cho bé hiểu chứ đừng áp đặt.

Chỉ bảo nhiều, các bé vẫn có thể "vi phạm", phớt lờ các quy định. Tuy vậy, bạn không nên có giải pháp quyết liệt như quát tháo mắng mỏ hay luôn trừng phạt. Với các con, chị Vĩnh thường giải thích cho các bé hiểu rõ điều phải thực hiện và những gì cần tránh. Trong nhiều trường hợp, chị gợi mở cho bé tranh luận vì các bé cũng có quan điểm riêng về các mối quan hệ và thậm chí các nguyên tắc. Trẻ cũng muốn biết vì sao bố mẹ cấm cản điều này, hạn chế điều khác, chứ không phải là thụ động chấp nhận hay bác bỏ. Nếu chỉ nếu giới hạn như một mệnh lệnh cho trẻ đã lớn, sẽ khó có kết quả. Cái khó của cha mẹ là phải ráng kiềm chế khi con không nghe lời hay khi phạm sai trái. Nổi cáu, quát thao, đánh đập trừng phạt có thể khiến bé phải theo ý bạn, nhưng đó là do sợ hãi, chứ không phải do tâm thức trẻ có sự tự giác. Bạn cũng nên nhớ rằng khi con bạn cứ xử sai trái, nó cũng có thể thấy mình sai. Trách nhiệm của bạn khi này là đừng làm cho bé cảm thấy tồi tệ hơn và khiến bé cư xử tiêu cực hơn nữa.

Trẻ 7-8 tuổi, bạn đã có thể giao cho con một vài "quyền". Chẳng hạn cho bé tự lựa quần áo, giầy dép khi chơi, khi thăm viếng nơi này nơi khác. Nếu có gì không thích hợp thì bạn giải thích chứ không áp đặt. Trong một số trường hợp, cho con tự lựa món ăn, lựa trái cây chúng thích, khi cho con lựa chọn là bạn tôn trọng con và nhu cầu của con.

Tôn trọng con còn ở chỗ quan tâm từng bước phát triển của con. Khi bạn giao cho con làm một việc gì trong nhà (ví dụ gấp quần áo, dọn giường, xếp dọn góc học tập....), bạn cần biết rõ là bé biết làm những việc đó. Muốn thế bạn nên dành thời gian hướng dẫn bé làm các công việc mà bạn muốn bé quen dần.

Chị Vĩnh cũng cho rằng nên tôn trọng thế giới riêng tư của bé. Khi bé đang chơi vui, thay vì bắt dừng lại ngay, bạn hãy cho bé một chút thì giờ. Chẳng hạn: "10 phút nữa chúng ta sẽ ăn cơm chiều", giúp con bạn chủ động kết thúc trò chơi. Hành động này của bạn phải kiên quyết và nhất quán trước sau. Điều đó cho bé hiểu rằng nó không thể có quyền chỉ thích theo ý mình, thậm chí có thể không được chơi nếu cố tình không nghe lời.