Dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo với người khác có thể bị tù chung thân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Gọi điện đến Đường dây nóng Báo ANTĐ, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi, “thời gian qua đã có một số cán bộ trong quá trình tiến hành tố tụng, thi hành án đã có hành vi dùng nhục hình đối với người khác. Theo quy định hiện hành, hành vi này sẽ bị xử lý ra sao”?

Làm rõ nội dung trên, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, Điều 373 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội dùng nhục hình nêu rõ, người nào trong hoạt động tố tụng, thi hành án hoặc thi hành các biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dùng nhục hình hoặc đối xử tàn bạo, hạ nhục nhân phẩm của người khác dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 6 tháng-3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: 2 lần trở lên; Đối với 2 người trở lên; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11-60%...thì bị phạt tù từ 2-7 năm.

Phạm tội gây thương tích hoặc gây thiệt hại về sức khỏe cho người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm người bị nhục hình tự sát thì bị phạt tù từ 7-12 năm. Phạm tội làm người bị nhục hình chết, thì bị phạt tù từ 12-20 năm hoặc tù chung thân.

Ngoài ra, người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1-5 năm.

Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội

Luật sư Lê Hồng Vân - Đoàn Luật sư Hà Nội

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, dùng nhục hình, được hiểu là hành vi của người tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền trong cơ quan thi hành án sử dụng các biện pháp trái pháp luật gây đau đớn về thể xác đối với những người tham gia tố tụng (trừ những người tham gia tố tụng là người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự, người phiên dịch, người giám định người bị hại) và người bị thi hành án trong khi tiến hành hoạt động điều tra, truy tố, xét xử; thi hành án.

Hành vi phạm tội nêu trên xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án đồng thời xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân. Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý.

Mặt khách quan của tội này được thể hiện qua hành vi của người tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền trong cơ quan thi hành án sử dụng các biện pháp trái pháp luật gây đau đớn về thể xác đối với các đối tượng: Bị can, bị cáo, phạm nhân, người bị (phải) thi hành án (theo thủ tục thi hành án dân sự), các đương sự (trong các vụ án dân sự, kinh tế, lao động…).

Việc sử dụng các biện pháp trái pháp luật gây đau đớn về thể xác biểu hiện dưới các hình thức tra tấn bằng vũ lực (đấm, đá, đánh bằng tay hoặc bằng các vật gây đau đớn cho nạn nhân hoặc Tra tấn bằng các thủ đoạn khác (cùm chân tay, bắt đứng, ngồi, nằm ở những tư thế khó chịu, bắt nhịn ăn, bắt lao động nặng…).

“Nếu dùng nhục hình mà làm chết người hoặc gây thương tích, tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân (đến mức độ nhất định) thì người phạm tội có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội làm chết người trong khi thi hành công vụ hoặc tội gây thương tích hoặc tội gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ” – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.