Đừng như những con cua trong chậu

ANTD.VN - Đã có nhiều ý kiến “mổ xẻ” những điểm yếu của doanh nghiệp Việt khi bước vào sân chơi hội nhập, đó là tính tùy tiện, manh mún, nhỏ lẻ, “mạnh ai nấy phất”, làm ăn kinh doanh kiểu ăn xổi và thiếu khả năng hợp tác, kết nối với nhau. Hạn chế đó không phải của riêng từng  doanh nhân, mà là một điểm yếu của khá nhiều doanh nghiệp Việt. 

Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, từ năm 2007-2015, tổng cộng có 428.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể. Riêng năm 2015 có tới hơn 71.000 doanh nghiệp đóng cửa.

Con số này chứng tỏ thương trường luôn là chiến trường với bất kỳ doanh nghiệp nào. Để tồn tại đã khó, nhưng để cạnh tranh sống còn và phát triển còn khó gấp bội. Chính vì thế, những thương hiệu lớn đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ tầm cỡ quốc tế ngay trên thị trường trong nước và vươn ra toàn cầu như sữa, cà phê, lúa gạo, thủy sản... vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hầu như, doanh nghiệp Việt ít có khả năng hợp tác với nhau để chia sẻ lợi ích, đặc biệt lộ rõ khi làm ăn với người nước ngoài. Mở cửa và hội nhập, tất nhiên sẽ kéo theo những tác động kinh tế, ảnh hưởng môi trường, thay đổi về văn hóa. Song, khác với công nghệ và tri thức là những cái có thể học hỏi rất nhanh vốn là tính trội của người Việt, sự kết nối giữa các doanh nghiệp nội địa với nhau dường như có một sức ỳ không nhỏ, chưa kể tâm lý “mạnh ai nấy phất” vẫn còn khá phổ biến.

Trong khi đó, năng lực hợp tác và cạnh tranh là hai mặt có ý nghĩa sinh tử trong cuộc chơi hội nhập toàn cầu. Bàn tay can thiệp của Nhà nước chỉ có thể là sự thúc đẩy, kiến tạo môi trường cho doanh nghiệp phát triển, chứ không thể làm thay, kinh doanh thay cho doanh nghiệp. Ở đây, doanh nghiệp nội địa được đòi hỏi sự chủ động, vươn mình của bản thân, thật bài bản và có chiến lược, có tầm nhìn.  

Chính phủ với vai chính là kiến tạo, làm chính sách, làm trọng tài, chứ không thể “chạy theo” giải quyết từng vụ việc. Bởi vậy, nếu chỉ cạnh tranh mà không biết hợp tác và kết nối sức mạnh giữa các doanh nghiệp nội địa, thì doanh nghiệp Việt vốn nhỏ bé, rốt cuộc sẽ như những con cua trong chậu. Nếu nhìn từng con cua có thể thấy chúng nhanh nhẹn, hoạt bát đấy, thế nhưng lại luôn chen lấn, níu kéo nhau, không thể thoát khỏi cái chậu bé tẹo giống như “ao làng”. 

Để thương hiệu Việt vươn xa, mỗi doanh nghiệp không thể lẻ loi, một mình một chợ, cũng không chỉ mãi kêu ca vì thiếu vốn, đất đai, càng không thể manh mún, chụp giật được... Muốn làm ăn dài hơi, vươn ra biển lớn hội nhập, doanh nghiệp Việt cần tuân theo quy chuẩn, tính chuyên nghiệp, bài bản và sự liên kết mạnh mẽ. Có như vậy, số thương hiệu lớn  của Việt Nam đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với các đối thủ tầm cỡ quốc tế, mới nhiều thêm lên được!