Đừng nhãng ra, phó mặc cho... lịch sử

ANTĐ - Có những câu chuyện lưu truyền trong xã hội, kèm câu “không nhất thiết phải đúng sự thực”, nhưng đọc hoặc nghe xong cứ phải dở khóc dở cười.  Ví dụ trong cuộc thi người đẹp nào đó, có câu hỏi: “Bạn hãy kể tên 5 người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử”. Một thí sinh sau cái nghiêng đầu e lệ đã thỏ thẻ: “Dạ, em biết nhiều lắm, nhưng vì chỉ cho kể có 5 người, ít quá nên khó, nhưng em cũng xin kể ạ, Hai Bà Trưng là 1 ạ, bà Đanh là 2 ạ, bà Trưng Trắc là 3, bà Triệu là 4 và bà Trưng Nhị là 5 ạ”.
Đừng nhãng ra, phó mặc cho... lịch sử ảnh 1

Có những sự thực đã và đang hiện hữu trong đời sống, cũng không nhất thiết phải là... sự thực. Ví dụ như học sinh rất không thích học môn Sử, thế nên mới xảy ra chuyện chỉ có 1 thí sinh thi môn Sử mà vẫn phải có cả một bộ máy vận hành theo - ấy là Hội đồng thi môn... Sử. Cũng như thế, có những môn thi mà học sinh rớt cả loạt, rớt thê thảm, ấy cũng là môn Sử.

Học sinh sợ môn Sử như sợ... dịch đã đành, người lớn cũng rất láng máng về lịch sử nước nhà. Mới chỉ có mấy chục năm mà chuyện ai thảo văn kiện đầu hàng cho tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh, ai thực sự cắm cờ... đã làm rất tốn giấy mực và thời gian. Thế mà trong “Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể”, môn Lịch sử có vẻ như đang bị thả nổi, được học ghép ở cấp 1 và cấp 2.

Có một nhà văn nổi tiếng cho rằng, nếu phải chọn giữa môn Văn và môn Sử thì ông sẽ chọn cho học sinh học môn Sử, còn môn Văn ông không cho học sinh học văn mà cho các cháu “đọc” văn. Bởi theo ông, hiện nay, môn Sử đang bị coi rất nhẹ, dạy rất khô cứng, một chiều, duy ý chí, trong khi đó môn Văn cũng không hơn gì. Học sinh học Văn hoàn toàn phải thuộc lòng cảm xúc của người khác, cách hiểu của người khác, không có quyền gì ngoài quyền... thuộc lòng.

Trong hoàn cảnh ấy, lẽ ra phải “nâng cấp” môn Sử, làm sao cho nó gần gũi với đời sống, hấp dẫn người học, người đọc... thì người ta lại định nhãng ra, phó mặc cho... lịch sử. Mà lịch sử hiện nay trên ti vi thì thấy toàn phim Trung Quốc, Hàn Quốc. Phải công nhận, người Trung Quốc làm phim lịch sử rất giỏi, cái gì ra cái ấy, ông nào ra ông ấy, triều đại nào ra triều đại ấy. Chẳng bù cho ta, lâu lâu có được bộ phim gọi là lịch sử thì nó sống sượng và hài hước đến xấu hổ. Còn lịch sử trong chính sử thì toàn sự phi thường và... phi lý.

Tôi đồng ý với việc trả môn Sử trong giáo dục về với lịch sử đúng nghĩa. Nó bắt đầu từ những câu chuyện lịch sử cho các cháu lớp nhỏ cho đến cả hệ thống chính sử với sự khách quan của góc nhìn, của hệ thống soi chiếu... để môn Sử vừa là... sử, vừa hấp dẫn học sinh. Bởi môn Sử, không chỉ là khoa học về lịch sử, là hệ thống ngày tháng năm, hệ thống số liệu... mà còn là sự tự hào, sự tự tôn dân tộc. Dẫu chỉ là việc cậu thiếu niên bóp nát quả cam cho đến trùng trùng những đoàn quân ra trận thì cũng đều phải được trân trọng đặt đúng chỗ một cách trung thực, khoa học và cả nhân văn nữa...