Đứng ngồi không yên trước giá vàng và cảnh báo của chuyên gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều người đứng ngồi không yên, đổ xô đi mua vàng càng đẩy giá lên cao. Dù đem lại lợi nhuận lớn cho nhiều người, song chuyên gia cảnh báo giá vàng có thể đảo chiều bất kỳ lúc nào.

Kẻ khóc, người cười

“Điên rồ” - không ít người đã dùng từ này để miêu tả về diễn biến giá vàng trong thời gian gần đây, đặc biệt trong tuần qua. Tính đến chốt phiên giao dịch ngày 18-4, giá vàng SJC đã tăng tới 13,5 triệu đồng/lượng, lên mức 117 - 120 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra). Mức tăng khủng này tiếp ngay sau khi vàng SJC tăng thêm 6,5 triệu đồng/lượng trong tuần trước. Tức là tính chung 2 tuần, kim loại quý này đã tăng tới 20 triệu đồng/lượng, tương đương hiệu suất sinh lời là 20%. Còn tính từ đầu năm, người giữ vàng đã lãi tới khoảng 37 triệu đồng/lượng, tức lãi gần 45%.

Giá vàng trong nước tăng tới 20 triệu đồng mỗi lượng chỉ trong vòng 2 tuần

Giá vàng trong nước tăng tới 20 triệu đồng mỗi lượng chỉ trong vòng 2 tuần

Giá vàng trong nước tăng cao hơn vàng thế giới rất nhiều. Theo đó, vào cuối năm 2024, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và vàng thế giới chỉ quanh mức 2 - 4 triệu đồng/lượng, tuy nhiên đến thời điểm này, chênh lệch đã lên tới khoảng 14 triệu đồng/lượng. Giá vàng tăng nóng đã khiến nhiều người đứng ngồi không yên, cùng với đó là những câu chuyện dở khóc, dở cười. Bà Nguyễn Thị Thịnh mấy ngày nay đều ra xếp hàng mua vàng, nhưng cũng được số lượng không đáng bao nhiêu vì các cửa hàng không đủ vàng để bán.

Bà Thanh cho biết, trước Tết bà có 500 triệu đồng đem gửi ngân hàng, kỳ hạn 6 tháng với lãi suất 5,2%/năm. Vừa rồi đáo hạn, bà quyết định mang hết ra mua vàng, nhưng xếp hàng mấy ngày cũng chỉ mua được hơn 1 lượng. Bà Thịnh tiếc nuối nói: “Nếu mua vàng thời điểm đó thì với số tiền này tôi đã có gần 6 lượng vàng. Ở mức giá hiện nay, mỗi lượng vàng lãi khoảng 32 triệu đồng, thì với số tiền gửi tiết kiệm trên nếu mua vàng có thể lãi tới 180 triệu đồng thay vì chưa đầy 130 triệu đồng nếu gửi tiết kiệm”.

Một người khác là anh Nguyễn Nhật Minh cũng tiếc nuối không kém. Cách đây hơn 2 tháng, thấy giá vàng tăng nóng, nghĩ thị trường khó có thể tăng hơn nữa, đồng thời cũng đạt mức lãi khá cao nên anh Minh đã mang 3 lượng vàng đi bán. Với mức giá bán được là 89 triệu đồng/lượng, mỗi lượng vàng anh lãi được 11 triệu đồng. Chốt lời vàng, anh chuyển qua chứng khoán. Ban đầu cũng có lãi, nhưng sau đợt giảm vào tuần trước, cộng với việc liên tục “bơm” thêm tiền để trung bình giá nhưng sai thời điểm, tài khoản của anh chẳng những mất hết lãi mà còn lỗ khá nặng.

Trái ngược với những câu chuyện trớ trêu trên, nhiều người lại “cười thầm” vì kiên quyết giữ vàng. Chị Nguyễn Minh Thúy cho biết, gia đình chị có 7 lượng vàng nhờ tích cóp lâu năm. Nhiều lần giá vàng lên chị cũng dao động muốn đem bán. Nhưng rồi vợ chồng bàn tính lại, quyết định sẽ giữ để sau này lo việc lớn cho con cái. Chị cho rằng, quyết định không bán vàng của mình là sáng suốt vì những ngày qua, có ngày “ngồi không” cũng lãi thêm mấy chục triệu đồng. “Tất nhiên giá có lên, có xuống. Nếu giá vàng có giảm thì cũng bằng lòng vì mình vẫn còn vàng, còn nếu giá lên nữa thì… rất vui” - chị Thúy chia sẻ.

Nhiều người dân xếp hàng mua vàng khi giá tăng nóng

Nhiều người dân xếp hàng mua vàng khi giá tăng nóng

“Phát sốt” vì tâm lý đám đông

Trong báo cáo mới đây gửi Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết, có 3 nguyên nhân khiến giá vàng quốc tế tăng.

Thứ nhất là bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên phạm vi toàn cầu như xung đột quân sự Nga - Ukraine kéo dài. Kèm theo đó là các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau về kinh tế, chính trị giữa Nga với Mỹ và đồng minh, xung đột quân sự giữa Israel và các quốc gia, lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông. Thứ hai, nhiều Ngân hàng Trung ương và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối cũng là lý do quan trọng khiến giá vàng tăng. Thứ ba là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng…

Cùng quan điểm, chuyên gia Nguyễn Quang Huy - Giám đốc điều hành Khoa Tài chính - Ngân hàng, Đại học Nguyễn Trãi cũng cho rằng, giá vàng trong nước tăng mạnh do tổng hòa nhiều yếu tố đan xen giữa thị trường quốc tế và tâm lý trong nước. Trên thị trường quốc tế, giá vàng lên cao nhất mọi thời đại bởi nhiều yếu tố như: Căng thẳng chính trị làm dấy lên lo ngại lan rộng thành xung đột toàn cầu; nguy cơ suy thoái kinh tế tại một số nền kinh tế lớn, đặc biệt là châu Âu và Nhật Bản; Ngân hàng Trung ương nhiều nước tiếp tục mua ròng vàng để phòng ngừa rủi ro hệ thống và giảm phụ thuộc vào đồng USD; căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn về thuế quan làm gia tăng bất ổn kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh trên, vàng trở thành tài sản trú ẩn an toàn hàng đầu, được các nhà đầu tư, tổ chức tài chính và cả chính phủ săn đón mạnh mẽ.

Tại thị trường trong nước, cung - cầu chênh lệch, cộng với “tâm lý đám đông” đẩy giá vàng tăng vọt, đồng thời chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nới rộng. Thực tế cho thấy, những ngày gần đây, khi giá vàng tăng mạnh, người dân đã xếp hàng đi mua vì lo sợ giá còn tăng nữa. Tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội trong khi cửa hàng vàng khan hiếm, bán nhỏ giọt, càng tiếp sức thêm cho làn sóng tăng giá của vàng.

Giá vàng có thể đảo chiều bất cứ lúc nào

Theo dự báo của ông Nguyễn Quang Huy, giá vàng quốc tế có thế biến động theo xu hướng tăng nếu căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang hoặc xảy ra các biến cố ngoài dự đoán; tình hình kinh tế toàn cầu suy yếu rõ nét hơn buộc các nước phải “bơm” tiền hỗ trợ kinh tế và nới lỏng chính sách tiền tệ; niềm tin vào hệ thống tài chính và tiền pháp định suy giảm khiến nhà đầu tư tìm đến vàng như tài sản bảo toàn giá trị.

Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng, dự đoán mức tăng giá đến bao nhiêu là rất khó bởi trước đó không ai nghĩ vàng sẽ đạt mức giá hiện tại. “Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là thị trường vàng không bao giờ đi theo đường thẳng, hay nói cách khác là vàng sẽ không thể cứ tăng mãi. Giá có thể tăng rất mạnh trong ngắn hạn, nhưng cũng dễ dàng điều chỉnh khi tâm lý thị trường thay đổi; chính sách điều hành có can thiệp để ổn định giá; lực bán chốt lời tăng cao từ các tổ chức tài chính quốc tế. Vì vậy, giá vàng có thể đảo chiều giảm mạnh bất cứ lúc nào” - vị chuyên gia cảnh báo.

Ông Nguyễn Quang Huy cũng cho rằng, thực tế thì vàng vẫn là một tài sản bảo vệ giá trị tốt trong dài hạn, song chỉ phù hợp với người có tầm nhìn và chiến lược đầu tư rõ ràng. Giai đoạn hiện tại, khi vàng liên tục lập đỉnh, người dân cần tỉnh táo, không nên để cảm xúc và đám đông dẫn dắt quyết định tài chính của mình. “Hãy đầu tư bằng tri thức và niềm tin vững chắc, không phải bằng tâm lý ngắn hạn hay kỳ vọng vào “giá không bao giờ giảm”. Giá vàng có thể đảo chiều bất cứ lúc nào. Vì vậy, người dân cần bình tĩnh, quan sát kỹ diễn biến thị trường và không chạy theo tâm lý đám đông” - vị chuyên gia khuyến cáo.

Trước diễn biến giá vàng tăng nóng, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã vừa có chỉ đạo nóng đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc ổn định thị trường. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để ổn định thị trường vàng. Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra việc trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ... trên thị trường vàng theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1483/VPCP-KTTH ngày 4-4-2025. Cùng với đó, chủ động thực hiện ngay các biện pháp thông tin truyền thông để ổn định tâm lý xã hội.

Ngay sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng, giá vàng trong nước đã lao dốc không phanh. Tính đến 17h ngày 19-4, giá vàng SJC đã giảm tới 5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 6 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra, niêm yết ở mức 112 - 117 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn trong phiên cũng ghi nhận mức giảm khoảng 5 - 5,5 triệu đồng/lượng. Theo đó, nhẫn tròn trơn Bảo Tín Minh Châu đang niêm yết tại 111 - 114 triệu đồng/lượng, nhẫn SJC 999.9, nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng và nhẫn tròn Phú Quý cùng niêm yết mức 109,5 - 113,5 triệu đồng/lượng. Với mức giảm sâu này, người mua vàng trước đó ở mức 120 triệu đồng/lượng có thể bị lỗ 8 - 10 triệu đồng/lượng.