Kỷ niệm 43 năm giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975/30-4-2018)

Đừng nên lội ngược dòng chảy lịch sử

ANTD.VN - Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ, hy sinh của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã kết thúc thắng lợi bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi mang tầm vóc và ý nghĩa lịch sử, thời đại lớn lao này đã mở ra kỷ nguyên hòa bình, độc lập, thống nhất cho nhân dân, đất nước Việt Nam.

Người dân Sài Gòn chào đón bộ đội giải phóng sau khi Chiến dịch Hồ Chí Minh giành thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30-4-1975

43 năm sau chiến thắng 30-4-1975. Chiến tranh đã lùi xa. Đất nước đã có nhiều đổi thay. Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, tạo nên những bước tiến đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế, được dư luận quốc tế đánh giá như một trong những hình mẫu thành công về phát triển. Là người Việt Nam yêu nước, dù ở trong nước hay làm ăn sinh sống ở nước ngoài, không ai lại không cảm thấy tự hào trước thành tựu của đất nước.

Vẫn còn tiếng nói lạc lõng, gây kích động, chia rẽ

Thế nhưng, trong khi người dân Việt Nam và bạn bè trên khắp thế giới đang chuẩn bị kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất hoàn toàn đất nước, vẫn có những kẻ muốn lội ngược dòng lịch sử. Chúng xuyên tạc sự thật, phủ định thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cho đó là cuộc chiến tranh vô nghĩa, không đáng có, chỉ mang lại đau thương, tổn thất cho dân tộc Việt Nam.

Ngày chiến thắng vinh quang của cả dân tộc thì chúng coi là “Ngày Quốc hận”. Chúng gọi Chiến tranh Việt Nam là cuộc “nội chiến” huynh đệ tương tàn, tìm mọi cách kích động chia rẽ, nhất là trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, gây hận thù dân tộc, hòng phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân. Chúng xuyên tạc, bôi đen hiện thực, phủ nhận những thành tựu của công cuộc đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế trong hơn 30 năm qua, cường điệu những khuyết điểm, vấp váp, sai lầm không tránh khỏi trong quá trình phát triển để hạ thấp vai trò, vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Cuối cùng, những kẻ muốn lội ngược dòng lịch sử này mới hé lộ mục tiêu của chúng là đòi thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Chúng coi “Ngày Quốc hận 30-4” là dịp để thúc đẩy Việt Nam tiến tới “dân chủ, đa nguyên, đa đảng”, viễn tưởng lên rằng sẽ có “những đợt sóng trỗi dậy thành ngọn sóng thần quét sạch đi mọi tàn tích độc tài đảng trị để dân tộc có cơ hội vươn lên”, rằng “tất cả đang tạo ra những áp lực thay đổi thể chế chính trị mạnh mẽ tại Việt Nam trong một tương lai rất gần”…

Ai cũng hiểu chiến tranh là nỗi ám ảnh ghê gớm nhất với con người. Nhìn nhận lại cuộc Chiến tranh Việt Nam, tuy quan điểm, lập trường khác nhau nên không tránh khỏi có những nhìn nhận, đánh giá khác nhau, nhưng sự thật khách quan, bản chất sự việc thì chỉ có một: Đế quốc Mỹ thay chân thực dân Pháp xâm lược Việt Nam; nhân dân Việt Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước để giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Dân tộc Việt Nam luôn mang khát vọng “đời ta thích hoa hồng”, nhưng “kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Lấy chiến tranh chính nghĩa để chống lại chiến tranh phi nghĩa là đòi hỏi tất yếu của lịch sử dân tộc ta trong thế kỷ XX. 

Việt Nam chiến thắng bởi nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản nhất là tính chính nghĩa của cuộc chiến tranh chống xâm lược. Mỹ thua cũng có nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản nhất là tính chất phi chính nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược. Hàng triệu quân Mỹ đã thay phiên sang tham chiến ở Việt Nam, lúc cao điểm có tới 65 vạn quân Mỹ có mặt tại miền Nam, hàng nghìn máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời miền Bắc, hàng trăm phi công Mỹ bị bắt sống. Làm sao lại gọi đó là “nội chiến”? 

Sự thật lịch sử không được phép lãng quên

Nên nhớ rằng, để non sông nước Việt nối liền một dải như hôm nay, để hơn 93 triệu người dân Việt đang hưởng cuộc sống bình yên như hôm nay, đã có gần 1,2 triệu người con ưu tú của Tổ quốc mãi mãi không trở về, gần 825.000 người đã để lại một phần máu thịt của mình trên chiến trường. Đó là chưa kể hơn 312.000 bộ đội và người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học mà đến nay không chỉ bản thân họ, mà nhiều con cháu họ vẫn còn chịu đựng bao nỗi đau dai dẳng từ cuộc chiến tranh phi nghĩa do đế quốc Mỹ gây ra. Đó là sự thật lịch sử không ai được phép lãng quên.   

Những trang sử vẻ vang về dân tộc Việt Nam, về Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc sẽ mãi đồng hành, trường tồn cùng lịch sử nước ta. Đó là những trang sử được viết nên bởi những tấm lòng trung kiên, cao thượng của cả một thế hệ cha ông đã tự nguyện cống hiến, xả thân hết mình vì hòa bình, độc lập, tự do cho Tổ quốc. Thắng lợi huy hoàng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30-4-1975 sẽ mãi mãi đi vào lịch sử, sánh ngang cùng những chiến thắng oai hùng của dân tộc như Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa, Điện Biên Phủ... Làm sao có thể phủ nhận sự thật lịch sử oai hùng đó của dân tộc?

Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai

Chúng ta hiểu rằng và kinh nghiệm thế giới cũng cho thấy rằng, cuộc chiến càng dài và càng ác liệt thì quá trình hòa giải sau chiến tranh càng phức tạp, lâu hơn và khó khăn hơn. Những gì diễn ra trong hơn 40 năm qua cũng không ngoài quy luật đó và đó cũng là một thực tế. Tuy vậy, sau khi chiến tranh kết thúc, Đảng, Nhà nước ta chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, tích cực thu hẹp bất đồng, tăng cường đối thoại và mở rộng vòng tay chào đón những người từng ở “phía bên kia chiến tuyến” hướng về Tổ quốc, qua đó nhằm củng cố, phát huy tinh thần đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm thúc đẩy hòa hợp dân tộc, tạo điều kiện cho bà con người Việt ở nước ngoài trở về thăm, định cư và góp phần xây dựng lại quê hương. Trên thực tế, tin tưởng vào chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Việt Nam, ngày càng có nhiều bà con Việt kiều về thăm quê hương, Tổ quốc; nhiều người đã bỏ công sức, tiền vốn đầu tư xây dựng đất nước. 

Rất nhiều nhân vật “nổi tiếng”, các quan chức cao cấp, tướng lĩnh, trí thức của chế độ Sài Gòn trước đây đã trở về thăm quê hương, đất nước. Nhiều người đã nói lên những tiếng nói, sự cảm nhận chân thực, nhận xét tích cực về sự phát triển của đất nước sau chiến tranh. Chẳng hạn như ông Đỗ Mậu, cựu Giám đốc Nha An ninh Quân đội Sài Gòn trước đây, sau mấy chục năm di tản, sống ở Mỹ, sau khi về thăm quê hương đã nhận xét: “Tôi vô cùng sung sướng vì Việt Nam mình đổi mới rất mạnh, có lẽ 15 hoặc 20 năm nữa, Việt Nam ta sẽ là cường quốc trong khu vực châu Á, một con rồng lớn vĩ đại. Tôi rất tin tưởng vào điều đó”.

Trong sâu thẳm con người Việt Nam, hầu hết đều có tấm lòng với đất nước, mong cho quê hương hòa bình, các gia đình được hạnh phúc. Đấy chính là mẫu số chung của những người con dân đất Việt cả trong và ngoài nước, là cơ sở vững chắc cho “hòa giải dân tộc” và “hàn gắn lòng người”, để chúng ta có thể tin vào một tương lai tốt đẹp không chỉ của riêng đồng bào mình, mà là tương lai của dân tộc ta hòa cùng với các quốc gia khác trên thế giới trong hội nhập và phát triển.

Với quan hệ Việt - Mỹ, trên cơ sở chủ trương nhất quán của Việt Nam “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, những vết thương chiến tranh đã liền trở lại, những gánh nặng tâm lý của quá khứ cũng qua dần để nhường chỗ cho tư duy tích cực cùng hợp tác phát triển. Kết quả là Việt Nam và Mỹ nay đã trở thành đối tác toàn diện và mối quan hệ này ngày càng tỏ ra những tiềm năng và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. 

Tất nhiên, mỗi cuộc chiến tranh tàn khốc qua đi bao giờ cũng để lại những nỗi đau dai dẳng, những tác động khó xóa về tâm lý. Nhưng quá khứ phải được khép lại để hướng tới tương lai, sự thật lịch sử phải được tôn trọng bởi không có sức mạnh nào có thể đảo ngược được sự thật lịch sử. Không những thế, quá khứ phải trở thành bài học, phải là lời cảnh tỉnh để sai lầm của quá khứ không bao giờ có thể lặp lại, và tôn trọng lịch sử chính là sự đảm bảo cho mình có một tương lai vững chắc. 

Lúc này, nếu ai đó vẫn còn nuôi lòng thù hận, cản trở hòa hợp dân tộc chắc chắn sẽ trở nên lạc lõng và có tội với tương lai của con cháu, đất nước mình. Kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước phải là dịp để con dân đất Việt cùng hướng nhìn về tương lai, cùng chung tay bảo vệ độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng đất nước ngày càng hùng cường, dân tộc Việt Nam ngày càng thịnh vượng! Đó mới là hành động của những người có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân.