Xử lý vi phạm liên quan đến lái xe uống rượu bia khi tham gia giao thông:

Đừng mãi điểm tên phần nổi của tảng băng chìm

ANTD.VN - Vi phạm về nồng độ cồn đối với các lái xe diễn ra quanh năm, nhưng cao điểm nhất phải kể tới trước, trong và sau Tết, các mùa lễ hội. Dù số lượng vi phạm bị xử phạt của Cục CSGT lên tới con số hàng nghìn, song chỉ như phần nổi của tảng băng chìm.

Đáng nói, nhiều địa phương trọng điểm trong công tác đảm bảo TTATGT nhưng hành vi trên lại chưa được các lực lượng xử lý đúng mức. Có những tổ công tác ra quân xử phạt vi phạm bia, rượu gần như chỉ là làm cho có lệ, dù sau Tết vi phạm này không hề giảm.

2 tháng, hơn 4.000 vi phạm bị xử phạt

Trong công tác đảm bảo TTATGT, tuyến Quốc lộ 1A được Cục CSGT (Bộ Công an) đánh giá là trọng điểm. Trao đổi với PV, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục CSGT đánh giá: “Quốc lộ 1A là tuyến giao thông huyết mạch, phức tạp và dài nhất toàn quốc. Lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn nhất, đi qua nhiều trung tâm, huyện, thị xã, thành phố. Nhiều đoạn trên tuyến chưa có dải phân cách giữa, làn đường hỗn hợp giữa các loại phương tiện giao thông, nhiều khúc cua, đèo dốc nguy hiểm. Ý thức người tham gia giao thông chưa cao, tiềm ẩn nguy cơ gây mất TTATGT. Bảo đảm tốt TTATGT trên tuyến Quốc lộ 1A và các thành phố trực thuộc Trung ương thì sẽ làm chuyển biến mạnh tình hình TTATGT trong cả nước”.

 Một trong những vi phạm trên tuyến Quốc lộ này được Cục CSGT chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc tập trung đẩy mạnh xử lý chính là lái xe sử dụng bia, rượu quá nồng độ cồn cho phép khi điều khiển phương tiện. Cũng theo đại diện Cục CSGT, qua tìm hiểu, cái khó của CSGT các địa phương hiện nay chính là thiếu cả về lực lượng và phương tiện. Chính vì lẽ đó, 112 CBCS đã được Cục CSGT tăng cường cùng với 20 xe ô tô tuần tra kiểm soát, hàng trăm máy đo nồng độ cồn, thiết bị ghi hình... nhằm giải quyết những hạn chế này, tăng hiệu lực quản lý, kiểm tra, xử phạt của lực lượng thực thi công vụ.

CSGT tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm liên quan đến bia rượu nhưng không phải lúc nào người vi phạm cũng chấp hành việc xử phạt của CSGT

Thông tin với PV, Trung tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bắc Giang cho biết: “Tất cả các tổ công tác khi thực hiện nhiệm vụ đều có máy đo nồng độ cồn. Trong trường hợp nghi vấn lái xe sử dụng bia, rượu quá nồng độ cồn cho phép, chúng tôi kiên quyết yêu cầu kiểm tra, nếu vi phạm sẽ “tách” ra khỏi phương tiện”.

Theo thống kê của Cục CSGT cho thấy, trong tổng số 74.762 trường hợp bị xử phạt (từ tháng 12/2016 - 2/2017), có 4.136 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 5,53%). Những địa phương xử lý hành vi vi phạm về nồng độ cồn cao là gồm: Đồng Nai (545 trường hợp), TP Hồ Chí Minh (517 trường hợp), Thừa Thiên Huế (360 trường hợp), Bình Định (143 trường hợp), Quảng Nam (120 trường hợp), Hậu Giang (124 trường hợp), Quảng Bình (113 trường hợp), Thanh Hóa (156 trường hợp), Tiền Giang (197 trường hợp).

Phạt khó hay... ngại làm?

Nếu so sánh với vi phạm liên quan đến mũ bảo hiểm, dừng đỗ trái phép chắc chắn số lượng bị xử phạt về nồng độ cồn sẽ ít hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đánh giá về mức độ thiệt hại, hậu quả do rượu bia gây ra thì chắc chắn, vi phạm rượu bia sẽ luôn đứng ở “tốp” đầu. Trong 9 địa phương có số lượng xử phạt cao nhất kể trên, CSGT Đồng Nai dẫn đầu với 545 trường hợp lái xe vi phạm rượu bia bị CSGT xử phạt.

Đáng chú ý, có tới hơn 90% số địa phương này lại ở các tỉnh từ Quảng Bình trở vào. Ở miền Bắc, chỉ duy nhất tỉnh Thanh Hóa, CSGT xử phạt được 156 trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn trong 2 tháng qua. Dẫu ít so với vi phạm trên thực tế, nhưng CSGT Thanh Hóa vẫn được đứng trong danh sách 10 địa phương có số lượng vi phạm này bị CSGT xử phạt cao nhất.

Việc kiên quyết xử lý tất cả các trường hợp vi phạm của CSGT mới mong những vụ TNGT liên quan đến vi phạm này được kiềm chế

Là Thủ đô, nơi tình hình về TTATGT không lúc nào bớt “nóng”. Và cũng chắc chắn rằng, số lượng lái xe, người dân uống rượu trước khi tham gia giao thông cũng không phải ít. Minh chứng cho nhận định này, đó là ở khắp các quán ăn, từ vỉa hè cho đến hạng sang, cảnh tượng lái xe say sưa từ sáng đến khuya không phải là ít. Vậy nhưng, Hà Nội lại không lọt vào trong danh sách địa phương xử lý mạnh vi phạm rượu bia đối với lái xe. Đây thực sự là điều khó có thể chấp nhận, bởi quy định cấm công chức, lái xe sử dụng bia rượu tham gia giao thông đã có từ lâu.

Qua tìm hiểu của PV, từ sau Tết đến nay, Phòng CSGT Hà Nội mới chỉ tổ chức 2 tổ kiểm tra xử phạt vi phạm về nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Đầu tiên là ở Đội CSGT số 1, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, CATP Hà Nội, được triển khai làm nhiệm vụ trên tại khu vực đường Trần Quang Khải, trong khu vực địa bàn quận Hoàn Kiếm. Dẫu ra quân có phần rầm rộ, song cả một ca công tác, số lượng vi phạm bị CSGT chỉ xử phạt tính chưa hết các đầu ngón tay. Tương tự, tổ công tác của Đội CSGT số 2 cũng chỉ xử phạt được vài trường hợp sau khi dừng hàng chục trường hợp vi phạm.

Lý giải cho việc xử phạt vi phạm liên quan đến lái xe sử dụng bia, rượu hạn chế như hiện nay, đại diện Đội Tuyên truyền, điều tra khám nghiệm TNGT, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt thừa nhận: “Xử phạt rất khó”. Khó là bởi đối tượng vi phạm là người say rượu. Còn cái khó tiếp theo ai cũng hiểu nhưng lại được xem là vấn đề tế nhị, ít được đề cập khi số lượng vi phạm bị CSGT kiểm tra là công nhân viên chức, hay những đối tượng “khó phạt” khác.

Qua ghi nhận thực tế, trong năm 2016, trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra khá nhiều vụ TNGT liên hoàn, và trong đó không ít lái xe có sử dụng bia, rượu vượt quá nồng độ cồn cho phép. Lãnh đạo Phòng CSGT thì vẫn luôn khẳng định rằng mọi vi phạm trong đó có vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử phạt nghiêm. Tuy nhiên nếu nhìn vào con số thực tế vi phạm này bị xử phạt trong 2 tháng qua, cũng như cách kiểm tra, xử lý thiếu kiên quyết, cả nể, “rụt rè” của CSGT ngoài đường, thì chắc chắn những vụ TNGT liên hoàn, hậu quả đau lòng bắt nguồn từ nguyên nhân bia, rượu sẽ vẫn còn tái diễn.